Bất ổn an ninh gây trở ngại cho cuộc chiến chống Ebola ở CHDC Congo

Thứ sáu, 24/05/2019 00:20
(ĐCSVN) – Tính đến nay, gần 1.200 người đã tử vong kể từ tháng 8/2018 – khi CHDC Congo tuyên bố đợt bùng phát dịch Ebola thứ 10 trong vòng 40 năm qua. Tuy nhiên, bất ổn an ninh đang là một rào cản lớn cho cuộc chiến chống lại dịch Ebola ở nước này.
 

CHDC Congo nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola trong bối cảnh bất ổn an ninh
 (Ảnh: iStock/News24)

Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Oly Ilunga Kalenga ngày 21/5 cho biết, Chính phủ CHDC Congo đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong bối cảnh xảy ra các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang nhằm vào các cơ sở và nhân viên y tế. Các cuộc tấn công này đã trì hoãn những ứng phó khẩn cấp để kiềm chế dịch bệnh.

"Mỗi lần có một cuộc tấn công vào cơ sở y tế hoặc nhân viên y tế, việc ứng phó với dịch bệnh sẽ bị trì hoãn và chúng tôi mất thời gian quý báu để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh”, Bộ trưởng Kalenga cho biết.

Đề cập đến vấn đề an ninh trong cuộc chiến chống dịch Ebola,  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị các phe phái chính trị ở nước này đoàn kết để chống lại dịch bệnh, đồng thời cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao.

“Ebola không đứng về phía nào. Đó là kẻ thù của tất cả mọi người”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Những nỗ lực đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh đã bị cản trở bởi xung đột tại một số khu vực và các cuộc tấn công vào đội ngũ y tế, cũng như sự hoài nghi của người dân địa phương đối với những nỗ lực quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh.

Ông Tedros cho biết, ông đã có cuộc gặp với Tổng thống CHDC Congo và các nhà lãnh đạo đối lập để đề nghị sự hợp tác của các bên trong việc chấm dứt sự bùng phát của dịch bệnh.

Người đứng đầu WHO cũng ca ngợi những nỗ lực trong việc kiềm chế loại virus gây bệnh này, trong đó có việc tiêm chủng cho hơn 120.000 người, cho đến nay đã hạn chế sự bùng phát của dịch Ebola ở tỉnh Bắc Kivu và khu vực lân cận Ituri.

Nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Ebola,  WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ chính trị và tài chính cho CHDC Congo. Theo WHO, nếu dịch Ebola lây lan sang các nước láng giềng của CHDC Congo thì có thể sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội trong toàn khu vực.

CHDC Congo nằm trong số nhiều quốc gia Tây Phi phải đối mặt với sự hoành hành của dịch Ebola. Đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất là vào tháng 12/2013 ở miền Nam Guinea trước khi lây lan sang hai quốc gia Tây Phi khác là Liberia và Sierra Leone. Năm 2014, WHO đã đưa ra báo động khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola sau khi dịch hoành hành ở Tây Phi cướp đi sinh mạng của 11.300 người. Năm 2016, WHO thông báo dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trên thế giới và tuyên bố quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh này.   

Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh rất cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus./.

Kiều Giang (theo News24/AFP, Al Jazeera, WHO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực