Các thành phố và phương tiện vận tải cam kết hành động nhiều và nhanh hơn chống biến đổi khí hậu

Chủ nhật, 12/11/2017 09:59
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23) đang diễn ra ở Bonn (Đức), ngày 11/11, các thành phố, các phương tiện vận tải và những người bảo vệ đại dương đã thông báo nhiều sáng kiến ​​mới về hành động khí hậu nhanh hơn và nhiều hơn nữa.

Thông báo này được đưa ra trong khuôn khổ Quan hệ đối tác Marrakech về hành động khí hậu toàn cầu, tạo ra từ năm ngoái nhằm thúc đẩy hành động của cộng đồng để thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu được thông qua vào năm 2015.

Xe ô tô điện tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Ảnh: UN)

Một liên minh mới để giải phóng carbon khỏi các phương tiện vận tải

Tại COP23, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Costa Rica và Tiến trình Paris hành động và khí hậu (PPMC) đã công bố một liên minh mới để giải phóng carbon khỏi các phương tiện vận tải (ADT). Các phương tiện vận tải chiếm khoảng 1/4 lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng và khoảng 15 – 17% tổng lượng phát thải CO2 của con người.

Ông José Mendes, Thứ trưởng Bộ Môi trường Bồ Đào Nha, cho biết: "Cần phải có hành động tham vọng hơn và phối hợp tốt hơn trong lĩnh vực vận tải để thực hiện Thỏa thuận Paris”.

Ngoài ra, 6 sáng kiến vận tải khác cũng đã được trình bày tại Bonn: below5 (tăng thị trường toàn cầu cho các nhiên liệu bền vững nhất); liên minh sinh thái-di động (các thành phố cam kết vận tải bền vững); EV100 (tăng tốc quá trình chuyển đổi sang điện cơ); Walk 21(làm tăng giá trị và cung cấp thêm nhiều lựa chọn cho người đi bộ); Chiến lược toàn cầu về nhiên liệu và phương tiện ít ô nhiễm hơn; và Sáng kiến chuyển đổi phương thức di chuyển ở đô thị (đẩy nhanh việc thực hiện phát triển giao thông đô thị bền vững).

Các thành phố tăng tốc độ phối hợp hành động về khí hậu

Tại COP 23, các thành phố cũng công bố nhiều sáng kiến mới để phối hợp tốt hơn trong các cam kết về biến đổi khí hậu và đạt được những kết quả lớn và nhanh hơn.

"Các chính quyền địa phương và khu vực đang có cam kết sẽ giúp các chính phủ thu hẹp khoảng cách giữa cam kết quốc gia hiện nay và giảm phát thải cần thiết để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris" – ông Gino Van Begin, Tổng thư ký ICLEI – Chính quyền địa phương vì sự bền vững – nhấn mạnh.

Các khu đô thị chiếm khoảng 2/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do việc tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu, đóng góp toàn cầu của họ vào tổng lượng phát thải khí nhà kính ước tính từ 37 – 49% trên toàn thế giới.

Tại cuộc họp báo bên lề COP23, Thị trưởng thành phố Pittsburgh (Mỹ) William Peduto chỉ ra rằng 367 Thị trưởng của Mỹ đã đồng ý "tham gia Thỏa thuận Paris, dù chính phủ liên bang của chúng tôi làm gì". "Điều này sẽ xảy ra ở cấp địa phương", ông nói.

Các sáng kiến mới được công bố ngày 11/11 bao gồm nỗ lực của ICLEI và Quan hệ đối tác toàn cầu NDC (đóng góp đầy quyết tâm ở cấp độ quốc gia) nhằm tạo ra, thực hiện và phối hợp các chiến lược hành động về khí hậu ở tất cả các cấp của chính phủ. Ngoài ra, Liên minh lãnh đạo thành phố về đầu tư khí hậu (CCFAL) cũng đang lập dự toán các khoản đầu tư sẵn có để đáp ứng các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm giúp chính quyền địa phương xác định nguồn tài chính đó.

Mối đe dọa nóng lên toàn cầu và axit hóa đại dương

Liên quan đến các đại dương và khu vực duyên hải, một tuyên bố mới đã được ký vào ngày 11/11 tại COP23 nhằm tăng cường phản ứng toàn cầu đối với sự thay đổi khí hậu khi nó ảnh hưởng đến các đại dương.

Các đại dương là bể chứa khí carbon lớn nhất trên hành tinh, một máy điều hòa mạnh mẽ, chủ yếu của khí hậu trái đất và là nền tảng cho sự sống còn và hạnh phúc của loài người.

Tuy nhiên, theo bà Biliana Cicin-Sain, Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu về đại dương, cho đến nay, các đại dương ít được đưa vào các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc, mặc dù đại dương không chỉ quan trọng đối với sự sống còn của thế giới mà còn tạo cơ hội cho sự đổi mới hướng tới nền kinh tế xanh phát thải ít carbon.

Bà Isabel Torres de Noronha, Thư ký điều hành Liên minh về tương lai của các đại dương, nhấn mạnh rằng tình trạng axit hóa đại dương "có thể gây nguy hiểm không chỉ cho hệ sinh thái mà còn cho các hoạt động kinh tế và an ninh lương thực của dân cư ven biển". Trong số các sáng kiến ở cấp quốc gia, bà nêu bật sáng kiến của Việt Nam tăng cường, củng cố khu vực ven biển thông qua việc trồng rừng ngập mặn./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, AP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực