Hướng tới mục tiêu giảm 90% số trường hợp tử vong do bệnh tả vào năm 2030 (Ảnh: UN)
Theo Liên hợp quốc, ước tính mỗi năm, 95.000 người tử vong do dịch tả và 2,9 triệu người mắc căn bệnh này. Trong bối cảnh đó, cần hành động khẩn cấp để bảo vệ các cộng đồng, ngăn ngừa lây truyền và kiềm chế sự bùng nổ của dịch bệnh.
Kế hoạch mới của Lực lượng đặc nhiệm toàn cầu phòng chống dịch tả với tựa đề “Chấm dứt dịch tả: lộ trình toàn cầu đến năm 2030” nêu rõ dịch tả lây lan tại các điểm nóng, nơi dịch bệnh bùng phát năm này qua năm khác.
Lộ trình toàn cầu nhằm mục đích sắp xếp các nguồn lực, chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất và tăng cường quan hệ đối tác giữa các quốc gia bị ảnh hưởng, các nhà tài trợ và các cơ quan quốc tế. Lộ trình hành động này nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận phối hợp để kiểm soát dịch tả, và lập kế hoạch cấp quốc gia để phát hiện sớm ổ dịch và phản ứng nhanh. Theo lộ trình này, gần 20 quốc gia bị ảnh hưởng có thể loại bỏ bệnh tả vào năm 2030.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, tuyên bố cho biết: "Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tự hào là một phần của sáng kiến chung mới này nhằm loại bỏ tình trạng tử vong do bệnh tả. Bệnh này đang khiến người nghèo và người dễ bị tổn thương phải chịu thiệt hại nhiều nhất, điều này là không thể chấp nhận được. Lộ trình hành động này là cách tốt nhất để ngăn chặn điều đó”. "Mỗi trường hợp tử vong do bệnh tả đều có thể ngăn ngừa bằng các công cụ sẵn có của chúng ta ngày nay, như vắc-xin phòng bệnh tả bằng đường uống và cải thiện việc tiếp cận với nước sạch và vệ sinh cơ bản, cũng như vạch ra lộ trình" – ông nêu rõ. "Đó là một căn bệnh bất bình đẳng đang tác động đến những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất. Vào cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, không thể chấp nhận được việc bệnh tả tiếp tục phá hủy sinh kế và hủy hoại nền kinh tế. Chúng ta phải cùng nhau hành động và làm ngay bây giờ".
Những tiến bộ đã đạt được về các dịch vụ cung cấp nước, vệ sinh cơ bản đã loại bỏ dịch tả ở châu Âu và Bắc Mỹ kể từ nhiều thập kỷ qua. Hiện nay, mặc dù Liên hợp quốc đã công nhận việc tiếp cận với các dịch vụ này là một quyền cơ bản của con người song theo tổ chức này, hơn 2 tỷ người trên thế giới vẫn không được tiếp cận với nước sạch và có nguy cơ bị bệnh tả. Thêm vào đó, sự yếu kém của hệ thống y tế và khả năng phát hiện sớm kém cũng góp phần làm lây lan nhanh chóng các đợt dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng lưu ý dịch tả đặc biệt bùng phát trong các cộng đồng đã trải qua xung đột, thiếu cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế không đầy đủ và suy dinh dưỡng. Bảo vệ những cộng đồng này trước khi bùng phát dịch tả hiệu quả và ít tốn kém hơn, thay vì ứng phó khi dịch bùng phát.
Lộ trình toàn cầu tạo ra một cơ chế hiệu quả để đồng bộ hóa nỗ lực của các quốc gia, các nhà tài trợ và các đối tác kỹ thuật. Lộ trình nhấn mạnh sự cần thiết về cách tiếp cận đa ngành đối với việc kiểm soát dịch tả, và quy hoạch cấp quốc gia để phát hiện sớm và ứng phó với sự bùng phát của dịch bệnh./.