Tầng ozone bảo vệ chúng ta chống lại tia cực tím từ mặt trời (Ảnh: UN)
Ngày 19/12/1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 16/9 hàng năm là Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ozone nhằm kỷ niệm ngày ký kết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone. Đây là dịp để khuyến khích những hoạt động cụ thể phù hợp với các mục tiêu của Nghị định thư Montreal và các điều chỉnh của Nghị định thư này. Bên cạnh đó, ngày kỷ niệm này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tầng ozone trong việc lọc ánh sáng mặt trời, ngăn ngừa tác hại của tia cực tím đến được bề mặt trái đất, và do đó bảo vệ sự sống trên hành tinh chúng ta.
Ozone được tạo thành trong tầng bình lưu do sự tác động của bức xạ mặt trời lên phân tử oxy; là một phân tử không bền vững được tạo thành từ 3 nguyên tử oxy (O3). Ozone là lớp khí quyển mỏng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thành phần không khí bao quanh trái đất. Các nhà khoa học tính rằng cứ 10 triệu phân tử không khí, trung bình chỉ có 3 phân tử ozone. Mặc dù không nhiều song các phân tử ozone lại có đặc tính quý báu là hấp thụ bức xạ tia cực tím (UV) của mặt trời – đặc tính không có ở bất kỳ một chất khí nào khác trong khí quyển. Với đặc tính này, ozone thật sự trở thành tấm lá chắn quan trọng bảo vệ con người và các loài sinh vật trên mặt đất khỏi tác hại của tia cực tím.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tầng ozone đã suy giảm mạnh trong nhiều thập kỷ qua. Khi tầng ozone suy giảm, lượng bức xạ của UV tới trái đất tăng lên. Sự tăng lên của bức xạ UV làm tăng khả năng bị ung thư da, đục nhân mắt, phá hủy hệ thống miễn dịch của con người, làm giảm năng suất cây trồng và mất cân bằng hệ sinh thái biển…
Nhận thức được những hiểm họa do tầng ozone suy giảm gây ra, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi tất cả các nước hạn chế sản xuất và sử dụng các chất phá hủy tầng ozone. Tháng 3/1985, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone đã được 21 quốc gia đầu tiên hưởng ứng ký kết. Năm 1987, Nghị định thư Montreal được ký kết nhằm cụ thể hóa các giải pháp và những cam kết của các bên Công ước Vienna, bảo đảm cho Công ước được thi hành có hiệu quả.
Quá trình dần dần từ bỏ sử dụng các chất kiểm soát và làm suy giảm tầng ozone không chỉ giúp bảo vệ tầng ozone cho các thế hệ hiện tại và tương lai, mà còn góp phần không nhỏ vào các nỗ lực được cộng đồng quốc tế thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc loại bỏ các chất này đã bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái bằng cách hạn chế bức xạ cực tím có hại đến trái đất.
Cho đến nay, Nghị định thư Montreal đã thành công khi đạt được một số mục tiêu trong việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone. Do đó, nồng độ khí quyển của các chất này đang xuống và tầng ozone dự báo sẽ phục hồi cho tới giữa thế kỷ này.
Năm 2017, Ngày Quốc tế Bảo vệ tầng ozone được kỷ niệm với chủ đề 2017: Chăm sóc mọi sự sống dưới ánh mặt trời. Nhân ngày kỷ niệm này đồng thời ghi dấu 30 năm Nghị định thư Montreal (1987 – 2017), Ban Thư ký Ozone đã khởi động một chiến dịch truyền thông OzoneHeroes nhằm vinh danh những thành tựu chính của Nghị định thư Montreal bảo vệ tầng ozone và khí hậu trong 3 thập kỷ vừa qua. Đồng thời, chiến dịch cũng nhằm tăng cường nhận thức của công chúng về thành công và tác động của Nghị định thư, tạo ra sự ủng hộ đối với Nghị định thư và nhiệm vụ mới của Nghị định thư là giảm khí nhà kính HFC (hydrofluorocarbon) có nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới biến đổi khí hậu theo thỏa thuận Kigali được thông qua hồi năm 2016./.