Châu Âu tiếp tục nắng nóng, nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ

Thứ tư, 24/07/2019 14:49
(ĐCSVN) – Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiều quốc gia châu Âu đang phải trải qua một đợt nắng nóng mới. Sau nửa đầu tháng 7 được đánh dấu bằng các đỉnh nhiệt vừa phải thì tuần này, nhiệt độ tăng mạnh, dự báo lên tới 40°C.

Người dân Paris (Pháp) tìm cách hạ nhiệt tại đài phun nước Trocadéro gần tháp Eiffel, ngày 23/7/2019 (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/7, người phát ngôn của WMO Clare Nullis cho biết: "Lại một tuần nữa với một đợt nắng nóng khác quay trở lại châu Âu". Nhiều khu vực ở châu Âu đã phải đối mặt với làn sóng nhiệt độ cao mới này. Nhiều kỷ lục mới về nhiệt độ đang diễn ra và dự kiến sẽ đạt 40°C ở các vùng của Đức và vùng Benelux, với đỉnh điểm vào ngày 25/7.

Tại Pháp, thời tiết rất nóng sẽ kéo dài đến phía Bắc của đất nước. Các nhà dự báo dự kiến sẽ thấy mức thủy ngân tăng lên trên 40°C và nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục. Dấu hiệu cho thấy những xu hướng này đang gia tăng khi nhiệt độ ban đêm tối thiểu mới đã được ghi nhận vào tối 22/7 ở phía Tây Nam nước Pháp. WMO báo cáo mức 24,8°C tại Bordeaux-Mérignac và 24,6°C tại Toulouse-Blagnac.

Chính trong bối cảnh đó, một phần lớn lãnh thổ nước Pháp đang ở mức báo động cấp 3, cũng như Thụy Sĩ, trong khoảng thời gian 4 ngày.

Cơ quan khí tượng Pháp Météo-France cảnh báo rằng sóng nhiệt sẽ dẫn tới tình trạng hạn hán vì trời không mưa ở nhiều nơi trên đất nước kể từ khi kết thúc đợt nắng nóng cuối tháng 7. Nhiều địa phương đã thiết lập các kỷ lục mới về lượng mưa thấp, trong đó chỉ 0,2mm tại sân bay Orly và 1mm tại Lille.

Tại Bỉ, cảnh báo "thời tiết nóng" được đưa ra ngày 23/7 ở tất cả các khu vực, ngoại trừ bờ biển, và nó có hiệu lực cho đến ngày 26/6. Theo Viện Khí tượng Hoàng gia (MRI), kỷ lục nắng nóng lịch sử từ năm 1947 sẽ có thể bị đánh bại trong thời gian này.

Ở West Flanders, thống đốc đã ra sắc lệnh hôm 23/7 cấm hút thuốc và bật lửa trong các khu vực tự nhiên của tỉnh này để tránh hỏa hoạn.

Hà Lan cũng đang trong tình trạng báo động "màu da cam", ngoài các hòn đảo cực Bắc. Chính phủ Hà Lan đã áp đặt một loạt các quy tắc phải tuân thủ trong các bệnh viện và nhà nghỉ hưu.

Tại Đức, cơ quan thời tiết DWD của nước này cho biết cột nhiệt kế thủy ngân sẽ lên tới 41°C trong tương lai gần ở khu vực Cologne và Saarland, phá vỡ kỷ lục mọi thời đại là 40,3°C kể từ năm 2015.

Các cơ quan y tế tại Vương quốc Anh thì khuyến nghị người Anh đi bộ trong bóng râm và tránh tiêu thụ rượu "quá mức". Nhiệt độ có thể đạt đến "những kỷ lục không chỉ trong tháng 7 mà còn mang tính lịch sử" – ông Paul Gundersen, trưởng cơ quan dự báo tại Văn phòng Met cho biết. Nhiệt độ 37°C dự kiến sẽ đạt được vào ngày 25/7 ở phía Đông Nam nước Anh, vượt qua kỷ lục trong tháng 7 (36,7°C) và đạt mức cao kỷ lục (38,5°C vào tháng 8/2003).

Tại Tây Ban Nha, Cơ quan Khí tượng Quốc gia Tây Ban Nha (AEMET) cũng dự báo nhiệt độ vượt quá 40°C và cảnh báo trước nguy cơ hỏa hoạn cực đoan ở một số khu vực của đất nước.

Trái đất trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử

Trước làn sóng nhiệt này, WMO cảnh báo về những rủi ro khi để trẻ em hoặc thú cưng trong xe, ngay cả trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận rằng Trái đất vừa cho thấy nhiệt độ quan sát được ở bề mặt đất liền và đại dương trong nửa đầu của năm 2019 ở mức cao nhất từng được ghi nhận trong vòng 140 năm qua.

Các biến động nhiệt bất thường cao nhất thường xảy ra ở bán cầu Bắc, đặc biệt là ở Alaska, miền Tây Canada và miền Trung nước Nga, nơi có sự sai lệch nhiệt độ so với trung bình +3°C trở lên.

Các kỷ lục nhiệt độ cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 đã bị phá vỡ ở miền Trung Nam Mỹ, nửa phía Nam của châu Phi, New Zealand và đại dương xung quanh, cũng như một phần của Alaska, phía tây Canada, Mexico, biển Bering, Đại Tây Dương, Madagascar và Ấn Độ Dương xung quanh và ở phía Đông châu Á./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Euronews)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực