Thứ sáu, 05/04/2019 21:47 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 4/4 cho biết chỉ số giá các sản phẩm lương thực nhìn chung vẫn ổn định trong tháng 3 vừa qua, do giá các sản phẩm sữa tăng nhưng được bù đắp bằng giá các sản phẩm ngũ cốc, dầu thực vật và đường giảm.
Thu hoạch ngũ cốc. (Ảnh minh họa: FAO)
Chỉ số giá lương thực của FAO là một chỉ số đo lường sự thay đổi hàng tháng về giá của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế: ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường. Theo đó, chỉ số giá các sản phẩm lương thực của FAO niêm yết trung bình đạt 167 điểm trong tháng 3, giảm 2 điểm so với tháng 2 trước đó và giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng đã công bố số liệu mới về sản xuất và dự trữ ngũ cốc thế giới, minh họa các sửa đổi tăng đáng kể được thực hiện sau kết quả điều tra nông nghiệp do Trung Quốc tiến hành năm 2017.
Chỉ số giá các sản phẩm sữa của FAO đã tăng 6,2% trong tháng 3, mức tăng tháng thứ ba liên tiếp, phản ánh nhu cầu nhập khẩu bơ, phô mai và sữa bột nguyên chất cao hơn, trong khi xuất khẩu từ châu Đại Dương lại được dự báo sẽ giảm xuống.
Chỉ số giá thịt của FAO cũng tăng 0,4% so với tháng 2 do nhu cầu nhập khẩu thịt lợn, thịt gia cầm và thịt bò của Trung Quốc tăng.
Ngược lại, chỉ số giá dầu thực vật của FAO giảm 4,4%, do nhu cầu nhập khẩu dầu cọ giảm, sản lượng dầu đậu nành tăng ở Mỹ và lượng dự trữ dầu hạt cải tăng ở Canada.
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO giảm 2,2% trong tháng 3 vừa qua, chủ yếu do giá lúa mì và ngô thấp hơn, trong khi cả hai đều có nguồn cung xuất khẩu dồi dào và triển vọng thu hoạch thuận lợi ở các nước sản xuất chính. Giá gạo quốc tế tăng nhẹ trong tháng 3/2019.
Chỉ số giá đường của FAO giảm 2,1% do thu hoạch ở các nước sản xuất chính cao hơn dự kiến. Các ước tính sản lượng mới nhất cho thấy Ấn Độ có mức tăng 8% sản lượng đường so với giai đoạn trước (từ tháng 10/2018 đến tháng 1/2019) và Ấn Độ đã sẵn sàng để truất ngôi Brazil trở thành nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới./.
Khánh Linh (Theo FAO, AFP)