Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe người dân trước lo ngại về dịch Ebola
ở khu vực biên giới giữa CHDC Congo và Uganda (Ảnh: WHO).
Trong một thông báo đưa ra ngày 13/6, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, đã có 3 trường hợp mắc Ebola được xác nhận ở Uganda trong hai ngày qua, trong đó có 2 người đã tử vong. Và UNICEF đã phát động một kế hoạch ứng phó Ebola khẩn cấp tại quốc gia Đông Phi này.
Kế hoạch ứng phó của UNICEF tại Uganda bao gồm việc đến các hộ gia đình để tuyên truyền về cách phòng tránh Ebola, việc chăm sóc kịp thời, cung cấp vệ sinh, nguồn uống hợp lý cho người dân, tư vấn cho nhân viên y tế về cách ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả và đào tạo cho các tình nguyện viên Hội Chữ Thập đỏ Uganda về việc hỗ trợ tâm lý. Để thực hiện kế hoạch này,
UNICEF cũng kêu gọi số tiền 3,9 triệu USD để thực hiện kế hoạch ứng phó khẩn cấp này tại Uganda.
Xác nhận của Bộ Y tế Uganda và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hai nạn nhân tử vong vì Ebola ở Uganda là một bé trai 5 tuổi và người bà 50 tuổi của em. Hai người này được xác nhận đã chết vì virus Ebola sau khi tham dự lễ tang người thân của họ - cũng chết vì loại virus này tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo.
Hiện một đội phản ứng nhanh đang được cử đến khu vực Kasese (Uganda) để xác định những người khác có thể gặp rủi ro và đảm bảo rằng họ được chăm sóc y tế kịp thời nếu mắc bệnh.
Số liệu mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy, có 2.084 ca mắc Ebola đã được xác nhận ở CHDC Congo, trong đó 1.405 người đã tử vong.
Sau khi Ebola hoành hành ở CHDC Congo và bắt đầu tràn sang Uganda, một ủy ban khẩn cấp của WHO hiện đang bàn bạc xem, liệu có nên tuyên bố dịch Ebola là mối đe dọa quốc tế hay không.
CHDC Congo nằm trong số nhiều quốc gia Tây Phi phải đối mặt với sự hoành hành của dịch Ebola. Đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất là vào tháng 12/2013 ở miền Nam Guinea trước khi lây lan sang hai quốc gia Tây Phi khác là Liberia và Sierra Leone. Năm 2014, WHO đã đưa ra báo động khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola sau khi dịch hoành hành ở Tây Phi cướp đi sinh mạng của 11.300 người. Năm 2016, WHO thông báo dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trên thế giới và tuyên bố quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh này.
Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh rất cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus./.