|
Ảnh minh họa: AP |
Báo cáo “Triển vọng dân số thế giới 2024: Tóm tắt kết quả” của Liên hợp quốc dự báo dân số thế giới sẽ đạt đỉnh vào giữa những năm 2080. Theo đó, dân số thế giới sẽ tăng từ mức 8,2 tỷ người vào năm 2024 lên khoảng 10,3 tỷ người vào giữa những năm 2080, và sau đó sẽ quay trở lại mức khoảng 10,2 tỷ người vào cuối thế kỷ này.
Trong khi đó, quy mô dân số thế giới vào năm 2100 dự kiến sẽ thấp hơn 6% (tương đương với mức thấp hơn 700 triệu người) so với dự báo do Liên hợp quốc đưa ra cách đây 1 thập niên. Tỷ lệ sinh tại nhiều quốc gia giảm do bất ổn kinh tế, bất ổn chính trị, khả năng tiếp cận giáo dục và thị trường lao động của phụ nữ. Hạn chế về nhập cư ở những nơi như châu Âu và tuổi thọ trung bình giảm tạm thời do đại dịch COVID-19 cũng góp phần kéo giảm các dự báo.
Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc - ông Li Junhua nhận định, tình hình nhân khẩu học đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. “Ở một số quốc gia, tỷ lệ sinh thậm chí còn thấp hơn dự đoán trước đây và chúng tôi cũng đang chứng kiến mức giảm nhanh hơn một chút ở một số khu vực có tỷ lệ sinh cao” – quan chức này nói.
Theo quan điểm của ông Li Junhua thì việc dân số thế giới đạt đỉnh trong thời gian sớm hơn và ở mức thấp hơn là một dấu hiệu tốt. Kịch bản này sẽ làm giảm áp lực môi trường do tác động của con người với tổng mức tiêu thụ thấp hơn.
Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, việc dân số thế giới đạt đỉnh sớm hơn xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có mức sinh thấp hơn ở một số quốc gia lớn nhất thế giới. Theo báo cáo, tính trung bình trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ đang sinh trung bình ít hơn một con so với khoảng năm 1990.
Trong khi đó, vấn đề mang thai sớm vẫn là một thách thức, đặc biệt đối với các nước thu nhập thấp. Vào năm 2024, ước tính sẽ có 4,7 triệu trẻ sơ sinh (tương đương khoảng 3,5% tổng số trẻ sơ sinh) trên toàn thế giới được sinh ra bởi các bà mẹ dưới 18 tuổi. Trong số này, khoảng 340.000 trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ trẻ em dưới 15 tuổi. Việc mang thai sớm sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và hạnh phúc của cả những bà mẹ trẻ và những đứa con được sinh ra.
Báo cáo của Liên hợp quốc cũng chỉ ra rằng, đầu tư vào giáo dục cho thanh niên, đặc biệt là trẻ em gái, đồng thời bảo đảm độ tuổi kết hôn và sinh con lần đầu ở mức phù hợp sẽ mang lại kết quả tích cực đối với sức khỏe, trình độ học vấn và thúc đẩy vai trò tham gia lực lượng lao động của phụ nữ. Những nỗ lực này cũng sẽ góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số và giảm quy mô đầu tư cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững.
Số liệu thống kê cho thấy, trong ba thập kỷ qua, tỷ lệ tử vong của dân số thế giới đã giảm trong khi tuổi thọ con người được tăng lên đáng kể. Sau một thời gian ngắn suy giảm do đại dịch COVID-19, tuổi thọ trung bình của con người đang tăng trở lại, đạt 73,3 tuổi vào năm 2024, so với mức trung bình 70,9 tuổi trong thời kỳ bùng phát đại dịch.
Vào cuối những năm 2070, nhóm người từ 65 tuổi trở lên dự báo sẽ đông hơn số trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi nhóm người ở độ tuổi 80 trở lên được dự báo sẽ đông hơn trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Ngay cả ở những quốc gia đang phát triển nhanh chóng và có dân số tương đối trẻ, nhóm người ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng trong 30 năm tới./.