EU và FAO hợp tác giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm và kháng thuốc diệt trùng

Thứ bảy, 30/09/2017 15:42
(ĐCSVN) – Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) José Graziano da Silva và Ủy viên châu Âu về An toàn và Vệ sinh Thực phẩm Vytenis Andriukaitis, ngày 29/9, đã thống nhất tăng cường hợp tác về an ninh lương thực, ngăn chặn lãng phí thực phẩm và tình trạng kháng thuốc diệt trùng trong chuỗi phân phối.


Tổn thất và lãng phí thực phẩm - một trong những nguyên nhân dẫn tới nạn đói.
(Ảnh minh họa: UN)

Trong một văn kiện mới ký kết tại Rome, FAO và EU cùng cam kết làm việc chặt chẽ để giảm một nửa tình trạng lãng phí thực phẩm mỗi năm trong giai đoạn từ nay tới năm 2030, một mục tiêu được đặt ra trong các mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, văn kiện này cũng kêu gọi hai tổ chức tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống lại sự tiến triển của tình trạng kháng thuốc diệt trùng (AMR) trong các trang trại và hệ thống lương thực.

"Những thiệt hại và lãng phí thực phẩm chính là sự lãng phí không thể chấp nhận các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm, và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn lương thực, trong khi tình trạng kháng thuốc diệt trùng đang gây áp lực khổng lồ lên xã hội và nền kinh tế của nhiều quốc gia" – Ủy viên châu Âu cho biết trong lễ ký kết văn kiện hợp tác. "Chúng tôi ngày càng đoàn kết, hiệu quả hơn và cách thức đấu tranh của chúng tôi chống lại những vấn đề này mang tính chiến lược hơn”.

Đánh giá tình trạng kháng thuốc diệt trùng là mối đe dọa đối với thế giới, ông Graziano da Silva nêu rõ: “Thật không may là việc sử dụng các thuốc kháng sinh, đặc biệt là để kích thích tăng trưởng, đã lan rộng".

Theo ông, quan điểm của FAO là các thuốc kháng sinh và thuốc diệt trùng khác chỉ nên được sử dụng để điều trị bệnh và trong một số trường hợp, để ngăn ngừa dịch bệnh. "Chúng không được sử dụng để kích thích tăng trưởng” – Tổng giám đốc FAO khẳng định.

Lưu ý rằng những tổn thất và lãng phí thực phẩm có liên quan đến một số khía cạnh của phát triển bền vững, ông Graziano da Silva nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ tương tự như giữa FAO và EU, để chiến đấu chống lại vấn đề này.

Trên quy mô toàn cầu, FAO cho biết 1/3 lượng lương thực được sản xuất và tiêu thụ cho con người (1,3 tỷ tấn) đã bị mất, bị lãng phí mỗi năm, không chỉ gây ra tổn thất về tài chính to lớn mà còn làm lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo ước tính của EU, khoảng 88 triệu tấn thực phẩm đã bị lãng phí hàng năm ở châu Âu với giá trị 143 tỷ Euro.

Trong khi đó, việc sử dụng và lạm dụng các loại thuốc diệt trùng đối với con người và động vật đã góp phần làm gia tăng các vi khuẩn gây bệnh. Những vi khuẩn này có khả năng đề kháng với các thuốc diệt trùng được sử dụng chống lại chúng, như thuốc kháng sinh.

Theo nhiều nghiên cứu, tình trạng này làm cho kháng thuốc diệt trùng trở thành mối đe dọa ngày càng tăng, có thể khiến hơn 10 triệu người chết mỗi năm và gây tổn thất hơn 100 triệu USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050. Ngoài các rủi ro đối với sức khoẻ cộng đồng, tình trạng kháng thuốc diệt trùng cũng đe dọa đến an ninh lương thực và tình hình kinh tế của hàng triệu gia đình nông dân trên khắp thế giới./.

Khánh Linh (Theo UN, FAO, Maxisciences)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực