Nhiều quốc gia đã thông qua điều luật nhằm hạn chế lãng phí thực phẩm (Ảnh minh họa: FAO)
Đây là Hội nghị thượng đỉnh các thị trưởng lần thứ ba trong khuôn khổ Hiệp ước Milan về các chính sách thực phẩm tại đô thị, một cam kết nhằm đấu tranh chống lại nạn đói, suy dinh dưỡng, cũng như cải thiện dinh dưỡng. Hội nghị được tổ chức sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Milan năm 2015 và Hội nghị lần thứ hai diễn ra tại trụ sở của FAO ở Roma năm 2016. Thị trưởng Valencia Joan Ribó và Thị trưởng Milan Giuseppe Sala tham dự lễ khai mạc.
Tại Hội nghị, ông Graziano da Silva cho biết: “Các hành động địa phương là thiết yếu nhằm đạt được việc loại trừ nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời bảo đảm các hệ thống lương thực bền vững và thích ứng hơn trước các hệ quả của hiện tượng biết đổi khí hậu, bảo đảm một chế độ lương thực lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng cho tất cả mọi người”. Tổng Giám đốc FAO đã chỉ ra rằng sau khi giảm trong hơn một thập niên, gần đây, nạn đói trên thế giới đã tăng trở lại, ảnh hưởng tới 815 triệu người, tương ứng với 11% dân số thế giới.
Theo báo cáo năm 2017 về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới, mức tăng này lên tới 38 triệu so với năm ngoái, phần lớn bởi sự gia tăng các cuộc xung đột và những cú sốc về khí hậu. "Cùng lúc đó, nhiều hình thức suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì hoặc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng lại đe dọa sức khỏe của hàng triệu người trên toàn thế giới" – ông Graziano da Silva lưu ý. "May mắn thay, các thành phố đang hành động để ứng phó với những thách thức. Chúng ta có thể tạo ra rất nhiều sự sáng tạo bằng cách tạo dựng quan hệ đối tác với các đối tác địa phương, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các trường đại học hoặc các tổ chức sản xuất”.
Các bên ký kết Hiệp ước Milan về các chính sách thực phẩm tại đô thị đã cùng thống nhất những nguyên tắc chính như: bảo đảm thực phẩm lành mạnh cho tất cả mọi người, thúc đẩy các hệ thống lương thực bền vững, giáo dục công chúng giảm bớt lãng phí thức ăn và ăn uống theo cách lành mạnh.
Tổng Giám đốc Graziano da Silva chỉ ra rằng FAO ủng hộ sáng kiến này bằng cách góp phần phát triển các chỉ số để đo lường những tiến bộ đã được thực hiện, với một hướng dẫn về phương pháp luận "được phát triển với sự hợp tác chặt chẽ cùng nhiều thành phố trên thế giới để bảo đảm rằng nó hữu ích", và đóng vai trò là một nền tảng trung lập để tất cả các thành phố cùng chia sẻ kinh nghiệm và thành công của họ.
Ông Graziano da Silva kêu gọi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, đồng thời nhấn mạnh thực tế rằng "những sáng kiến này được thực hiện cùng với các mạng lưới thành phố để tận dụng tối đa sức mạnh và tạo ra sự hiệp lực". Ông nêu bật những nỗ lực của FAO để thúc đẩy đối thoại giữa các nghị sĩ và các chương trình học hỏi lẫn nhau giữa các nông dân.
Tổng Giám đốc FAO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích hợp tác giữa các thành phố trên thế giới để đạt được đô thị hóa bền vững hơn và thúc đẩy các mối liên kết kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa giữa thành thị và nông thôn.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Graziano da Silva kêu gọi các thành phố ký kết Hiệp ước Milan về các chính sách thực phẩm tại đô thị sắp xếp ưu tiên của mình với những ưu tiên trong Chương trình đô thị mới của Liên hợp quốc, một lộ trình để đạt được các thành phố bền vững hơn và thích ứng tốt hơn với con người, được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của UN-Habitat về đô thị hóa bền vững tổ chức tại Quito (Ecuador)./.