Thứ tư, 26/06/2019 20:40 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Gần 20.000 người di cư được cứu sống chỉ trong vòng 3 năm tại khu vực sa mạc Sahara, đoạn nằm trên lãnh thổ của Niger. Đây là con số mà Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố ngày 25/6.
Người di cư được đưa lên xe tải của IOM để di chuyển đến nơi an toàn (Ảnh: IOM)
Những người di cư được giải cứu thường bị kiệt sức về thể chất và tinh thần, bị thương và mất nước. Họ nhận được các hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp từ IOM bao gồm thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế và hỗ trợ tâm lý.
Theo IOM, gần đây nhất là việc giải cứu 406 người di cư vào ngày 15/6, trong đó có 7 phụ nữ và 4 trẻ em. Họ đến từ 14 quốc gia Tây Phi, chủ yếu ở các quốc gia như Guinea-Conakry, Mali và Côte d’Ivoire.
“Chúng tôi đi bộ hàng giờ dưới ánh nắng sa mạc chói chang mà không có nước uống cũng như ý tưởng nào về nơi mà chúng tôi đang hướng đến. Đột nhiên tôi nhìn thấy xe tải của IOM đang đến. Họ mang cho chúng tôi thức ăn và nước uống, và đưa chúng tôi đến Assamaka, sau đó là Arlit vào hôm sau”, một người di cư có tên Amadou, 27 tuổi, đến từ Mali cho biết.
Trong khi đó, một thành viên trong đội cứu trợ của IOM có tên Alhassane Adouel cho biết: “ Mặc dù đã hỗ trợ nhiều nhóm người di cư, tôi vẫn cảm thấy khó khăn mỗi lần có các nhóm mới đến, với những em bé sơ sinh trên tay họ, mặt mũi dính đầy cát và quần áo bị rách nát”.
Hoạt động giải cứu người di cư nói trên là sứ mệnh nhân đạo lần thứ 189 của IOM ở khu vực sa mạc Ténéré của Niger. Những chiếc xe tải chở người di cư thường hay bị hỏng khi đi trên sa mạc; trong những trường hợp khác, họ lạc đường hoặc bị những kẻ buôn người bỏ rơi. Hiện chưa có thống kê nào về số người di cư bỏ mạng khi băng qua sa mạc Sahara.
Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou cho biết, số người di cư đi qua nước này để tới Libya đã giảm xuống từ 150.000 người mỗi năm xuống còn dưới 10.000 người/năm nhờ những nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp, trong đó có việc thực thi luật chống buôn bán người. Theo số liệu thống kê mới nhất của IOM, số người di cư này hiện đã giảm đáng kể so với năm 2017, năm được ghi nhận có nhiều người di cư nhất./.
Kiều Giang (theo IOM, EURACTIV)