Thứ sáu, 14/06/2019 18:11 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Ngày 13/6 – vào thời điểm 100 ngày trước Ngày quốc tế hòa bình, được kỷ niệm mỗi năm vào ngày 21/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã phát động đếm ngược nhằm kêu gọi mỗi người dân trên trái đất cùng suy nghĩ về vấn đề cấp bách đã được thông qua làm chủ đề cho năm nay: “Hành động vì khí hậu, hành động vì hòa bình”.
Nước biển dâng - một trong những hệ quả đáng lo ngại của biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa: Khánh Linh)
Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng thư ký Guterres nêu rõ: "Thông điệp rất rõ ràng. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đang đe dọa an ninh và ổn định". Theo ông, vì hậu quả tàn khốc của nó, hàng triệu người đang phải rời bỏ các vùng bờ biển cũng như đất liền, vốn hiện không thể ở được nữa, để tìm kiếm một nơi an toàn và một cuộc sống tốt hơn. Các thảm họa và sự kiện thời tiết cực đoan cũng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn. Những tranh chấp nảy sinh do nguồn tài nguyên cạn kiện có nguy cơ biến thành các cuộc xung đột khí hậu.
Người đứng đầu Liên hợp quốc dẫn chứng chuyến đi gần đây của ông đến Nam Thái Bình Dương, nơi ông phát hiện ra "mối nguy hiểm hiện hữu đang xảy ra". "Chân trời này đang tối dần, nó không phải là hòn đảo ở cuối thế giới, nó là chân trời của chúng ta đối với tất cả mọi người. Hành động vì khí hậu không chờ đợi được nữa. Đó là việc của mọi người" – ông Guterres lưu ý.
Trong bối cảnh đó, Tổng thư ký nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tham vọng hơn nữa, đặc biệt tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về khí hậu dự kiến diễn ra vào ngày 23/9 tới đây.
Ông kêu gọi các nguyên thủ quốc gia đến Hội nghị thượng đỉnh với các đề xuất "cụ thể và thực tế" để đẩy nhanh hơn nữa việc thực thi Thỏa thuận khí hậu Paris đã ký năm 2015 và bắt đầu chuyển đổi căn bản theo hướng một tương lai sạch hơn, an toàn hơn và xanh hơn. “Chúng ta cần cùng nhau xây dựng một thế giới mà chúng ta có thể sống hòa thuận với những người khác và với môi trường của chúng ta" – Tổng thư ký nêu rõ.
Để làm được điều đó, ông Guterres đề xuất một loạt các cách thức chống biến đổi khí hậu, bao gồm đánh thuế ô nhiễm, chứ không phải con người; ngừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch; ngừng xây dựng các nhà máy than mới vào năm 2020; và chuyển đổi nền kinh tế xám thành nền kinh tế xanh.
Ông kêu gọi "cùng nhau xây dựng một thế giới trong đó chúng ta có thể sống hòa thuận với những người khác và với môi trường của chúng ta". "Đó là cuộc chiến của thế hệ chúng ta và đó là cuộc đua với thời gian. Chúng ta có thể thắng, chúng ta phải thắng" – người đứng đầu Liên hợp quốc kết luận./.
Khánh Linh (Theo AFP, UN, Maxisciences)