Liên hợp quốc báo động về nguy cơ xung đột do cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên
Thứ tư, 17/10/2018 16:08 (GMT+7)
Ngày 16/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) cảnh báo việc khai thác, tranh giành các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc xung đột bạo lực. Do đó, ngăn chặn, kiểm soát và giải quyết những cuộc xung đột như vậy đang là một trong những thách thức lớn và ngày càng nghiêm trọng của thời đại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) với chủ đề "Nguyên nhân sâu xa của các cuộc xung đột - Vai trò của Tài nguyên thiên nhiên", ông Guterres dẫn các nghiên cứu của LHQ cho thấy hơn 40% số cuộc xung đột nội bộ có vũ trang trong 60 năm qua có liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Trong bối cảnh hiện tượng biến đổi khí hậu gây tác động ngày càng lớn tới mọi khu vực, nguy cơ này sẽ chỉ càng gia tăng. Bên cạnh đó, những xu hướng toàn cầu như dân số ngày một đông, tiêu dùng ngày càng nhiều, và hiện tượng môi trường xuống cấp cũng đang gây những sức ép nghiêm trọng đối với nhiều kho tài nguyên thiên nhiên, trong đó có dầu, khí đốt, khoáng sản, nước và đất.
TTK nhấn mạnh việc phân bổ không đồng đều tài nguyên thiên nhiên, nạn tham nhũng và những sai phạm trong công tác quản lý có thể dẫn đến xung đột, nhất là ở những nước có những thể chế yếu hơn. Những áp lực này cũng có thể làm trầm trọng thêm những chia rẽ về sắc tộc và tôn giáo vốn đã hiện hữu trong phạm vi các xã hội và vượt ra ngoài biên giới. Kể từ năm 1990 đến nay, có tới 75% số cuộc nội chiến tại châu Phi được "tài trợ" phần nào đó từ nguồn thu tài nguyên thiên nhiên. Hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, gỗ, than và động thực vật hoang dã làm trầm trọng thêm tình trạng bạo lực. Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, các hoạt động khai thác tài nguyên trái phép đem lại nguồn thu gần 1 tỷ USD cho các phiến quân và tổ chức tội phạm. Tương tự, tại Cộng hòa Trung Phi, hoạt động khai thác trái phép khoáng sản của vô số tổ chức có vũ trang và phiến quân càng khiến cho xung đột ở đây kéo dài.
Trước thực trạng nêu trên, TTK kêu gọi các quốc gia nỗ lực hành động để quản lý hoạt động giao dịch khoáng sản thông qua những thỏa thuận hợp tác giữa xã hội dân sự, các chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực. Ông Gutteres cũng trình bày một số hành động cụ thể mà LHQ đang và sẽ tiến hành để hỗ trợ các quốc gia giải bài toán bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Trước hết, LHQ đang triển khai một sáng kiến mới có sự tham gia của Vụ các Vấn đề chính trị, Chương trình Phát triển LHQ, Chương trình Môi trường LHQ nhằm xử lý hiệu quả hơn những nguy cơ an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, LHQ dự định phát huy tối đa những cơ hội làm trung gian hòa giải trong những cuộc tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên, xem đây là công cụ để ngăn chặn xung đột, thông qua hợp tác với các nước thành viên, các đối tác khu vực, và các thể chế tài chính quốc tế.
Ngoài ra, LHQ sẽ củng cố hơn nữa quan hệ đối tác với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực để vận động các chính quyền quan tâm nhiều hơn tới việc ngăn chặn và xử lý những cuộc xung đột bắt nguồn từ việc cạnh tranh tài nguyên thiên nhiên. LHQ cũng sẽ tìm cách tăng khả năng của các mạng lưới và tổ chức của phụ nữ để phái yếu có thể can dự một cách hiệu quả vào những tiến trình đối thoại và trung gian hòa giải liên quan đến tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đặc biệt, LHQ công nhận rằng những vấn đề liên quan đến đất đai vẫn là một nhân tố then chốt. Gần đây, TTK Gutteres đã hoàn tất Bản Chỉ dẫn nhằm đảm bảo toàn hệ thống LHQ có sự hợp tác chiến lược hiệu quả hơn để giúp các quốc gia giải quyết những vấn đề đất đai và xung đột./.
Minh Nga/TTXVN