Tổng thư ký LHQ António Guterres cùng các thành viên MINUSMA trong chuyến thăm Mopti vào tháng 5/2018 (Ảnh: UN)
Thủ tướng Mali Soumeylou Boubèye Maïga và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã tham gia hội nghị này.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo: "Tình hình ở Mali đang thử nghiệm khả năng của cộng đồng quốc tế hành động vì hòa bình và ổn định. Đó không phải là một câu hỏi về lòng vị tha, mà là bảo vệ an toàn. An ninh ở Mali ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Sahel, từ đó ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu".
Ông Guterres nhấn mạnh rằng toàn bộ khu vực Sahel đang phải đối mặt với các vấn đề xuyên quốc gia nghiêm trọng, từ biến đổi khí hậu và hạn hán đến sự bất ổn ngày càng tăng, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và buôn bán người, vũ khí và ma túy. "Các bạn không nhận thức được mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự ổn định ở Burkina Faso" – ông nói với các thành viên Hội đồng Bảo an.
Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế không thể đứng yên khi tình hình nhân đạo xấu đi, khoảng cách phát triển mở rộng và rủi ro an ninh trở nên không bền vững. "Đầu tư vào hòa bình ở Mali đồng nghĩa với đầu tư vào an ninh toàn cầu. Tôi kêu gọi các bạn tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho MINUSMA (Phái đoàn Liên hợp quốc tại Mali) và các cơ quan phát triển và nhân đạo của Liên hợp quốc, cũng như các đối tác của chúng tôi trong lĩnh vực này" – ông nói thêm.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng lưu ý chỉ riêng sự hỗ trợ này thì sẽ không bao giờ là đủ và không thể thay thế cho ý chí chính trị. Ông kêu gọi chính phủ Mali, các nhà lãnh đạo của phe đối lập chính trị và các phong trào ký kết cùng tăng cường nỗ lực để chấm dứt các vấn đề mà quốc gia này phải đối mặt. "Bây giờ là thời gian để làm việc cùng nhau nhằm khôi phục hòa bình và ổn định ở Mali" – ông nêu rõ.
Tổng thư ký Guterres lưu ý rằng các bước quan trọng đã được thực hiện trong 6 tháng qua để đẩy nhanh việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình và Hòa giải ở Mali. Hơn 1.400 cựu chiến binh ở Gao, Kidal và Timbuktu đã gia nhập quân đội Mali trong khuôn khổ quá trình giải giáp, giải ngũ và tái hòa nhập. Chính quyền lâm thời đã được thành lập ở 5 khu vực phía Bắc. Các cuộc thảo luận đang được tiến hành để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tiến trình hòa bình.
Nhà lãnh đạo của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng chính phủ Mali đã đưa ra một quá trình cải cách chính trị và hành chính rộng lớn. Ông đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ nước này. "Ngay cả khi chúng ta phải làm nhiều hơn để hỗ trợ chính quyền Mali và cải thiện tình hình an ninh trong cả nước thì chỉ riêng giải pháp quân sự sẽ không đủ để giải quyết các thách thức của Mali" – ông Guterres cảnh báo. "Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn bạo lực và bất ổn bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ: nghèo đói, biến đổi khí hậu và đấu tranh để kiểm soát tài nguyên, kém phát triển và thiếu cơ hội cho những người trẻ tuổi".
Mali là một quốc gia thuộc khu vực Sahel của châu Phi vốn đang chịu nhiều bất ổn vì tình hình an ninh diễn biến phức tạp. Chính phủ Mali đang nỗ lực ổn đình tình hình đất nước sau khi các phần tử cực đoan có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda giành quyền kiểm soát miền Bắc nước này hồi đầu năm 2012.
Nhờ sự hỗ trợ của quân đội Pháp, quân chính phủ Mali đã đẩy lùi được quân nổi dậy vào năm 2013. Đến năm 2015, chính phủ Mali và các nhóm vũ trang ở nước này đã ký một thỏa thuận hòa bình nhằm khôi phục ổn định tại đây. Tuy nhiên, các vụ bạo lực, xung đột vũ trang vẫn liên tục tiếp diễn.
Báo cáo được Liên hợp quốc đưa ra hồi đầu tháng 3 cho thấy trong năm 2018, các lực lượng an ninh ghi nhận 237 vụ tấn công khủng bố, tăng so với 226 vụ của năm 2017 và 183 vụ xảy ra trong năm 2016. Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 1/2019 đã có ít nhất 10 binh sĩ gìn giữ hòa bình người CH Chad thiệt mạng trong vụ tấn công nhằm vào khu vực của Liên hợp quốc ở thị trấn Kidal, miền Bắc Mali. Trong vòng 6 tháng trở lại đây, các vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng của 18 binh sĩ gìn giữ hòa bình và làm 77 người bị thương./.