Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi hành động nhằm chấm dứt bất ổn tại Syria

Thứ sáu, 30/08/2019 19:52
(ĐCSVN) – Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Syria tiếp tục cảnh báo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng, bạo lực và bất ổn ở quốc gia Trung Đông này là đáng báo động và cần phải thay đổi động thái.

Bạo lực không ngừng leo thang tại Tây Bắc Syria

Bệnh viện phẫu thuật Kafr Nubl, phía Nam Idlib, không hoạt động sau
các cuộc tấn công bất ngờ vào đầu tháng 5/2019. (Ảnh: UN)

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 29/8, ông Geir O. Pedersen nêu rõ: "Mức độ bạo lực và bất ổn ở Syria là vô cùng đáng báo động. Chúng ta thấy số người chết ngày càng tăng trong dân thường; hàng triệu người phải di dời; hàng chục nghìn người bị giam giữ và mất tích; phần lớn lãnh thổ Syria bị phân chia giữa các chủ thể khác nhau; các cuộc đối đầu giữa các quốc gia trên một số trục; một tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tái sinh đang đẩy mạnh các cuộc tấn công du kích; và vẫn chưa đưa ra được một tiến trình chính trị thực sự". "Động thái này có thể và phải thay đổi" – Đặc phái viên của Liên hợp quốc đánh giá.

Ông cũng đồng thời lưu ý rằng ở phía Tây Bắc Syria, mặc dù Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng khôi phục lệnh ngừng bắn được công bố hồi đầu tháng 8 song những hành động thù địch ở Idlib và các khu vực lân cận vẫn nhanh chóng được nối lại. Căng thẳng ở phía Đông Bắc đã nổ ra vào tháng 7 với sự tập trung quân đội ở phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán Mỹ – Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8 đã giúp tránh một cuộc xung đột.

Thêm vào đó, Đặc phái viên của Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại đối với căng thẳng giữa Israel và Iran. Israel đã xác nhận tiến hành các cuộc không kích ở ngoại ô Damascus vào ngày 24/8, đồng thời cho biết mục tiêu của họ là ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái được lên kế hoạch từ lãnh thổ Syria bởi các thành viên của Lực lượng Al-Quds của Iran và dân quân Shiite ở Syria. "Sự leo thang này là vô cùng đáng lo ngại. Tôi kêu gọi tất cả các bên tôn trọng chủ quyền của Syria và tất cả các quốc gia trong khu vực, bằng cách kiềm chế các cuộc tấn công và kiềm chế tối đa khiêu khích" – ông Pedersen nói.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng ở phía Tây Nam Syria, các báo cáo về việc giam giữ, biểu tình, mất tích và giết người liên tục được đưa ra và gây lo ngại nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, ông Geir O. Pedersen một lần nữa tuyên bố nêu rõ chỉ có một tiến trình chính trị và giải pháp chính trị mới có thể "khôi phục chủ quyền của Syria, bảo vệ quyền và tương lai của tất cả người dân Syria và bắt đầu giải quyết những chia rẽ sâu sắc tồn tại bên trong xã hội Syria".

Đặc phái viên của Liên hợp quốc nhấn mạnh đang tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa người Syria để bắt đầu tiến trình phát triển một bản Hiến pháp mới. Sau khi tham khảo ý kiến với chính phủ Syria và phe đối lập, ông khá lạc quan rằng sẽ có thể công bố một thỏa thuận trước Đại hội đồng "về một ủy ban hiến pháp đáng tin cậy, cân bằng và toàn diện" được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Geneva và có thể mở ra cánh cửa cho một tiến trình chính trị rộng lớn hơn.

Ông Geir O. Pedersen nói rằng các tổ chức quốc tế cũng có trách nhiệm làm sâu sắc thêm cuộc đối thoại của họ và hỗ trợ quá trình do Liên hợp quốc tạo điều kiện. Theo ông, tháng tới sẽ rất quan trọng. Ông kêu gọi hoàn thiện ủy ban hiến pháp và các chủ thể quốc tế chính nhằm ổn định tình hình ở Idlib và ở phía Đông Bắc Syria, đồng thời ủng hộ những nỗ lực của Liên hợp quốc.

Về phần mình, Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc Mark Lowcock lưu ý 3 tuần nữa sẽ tròn một năm kể từ khi bản ghi nhớ về Idlib được ký kết. Đây là một thỏa thuận kêu gọi kiềm chế và nhằm ngăn chặn bạo lực leo thang hơn nữa ở phía Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, một năm sau, các vụ pháo kích và chiến đấu vẫn diễn ra hàng ngày.

Giám đốc viện trợ của Liên hợp quốc tuyên bố nhấn mạnh trước các thành viên của Hội đồng Bảo an: “3 triệu người, 2/3 số đó là phụ nữ và trẻ em, tin tưởng vào sự hỗ trợ của các bạn để ngăn chặn tình trạng bạo lực này"./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực