Tại Nam Sudan, Văn phòng Liên hợp quốc về điều phối các hoạt động nhân đạo (OCHA) cho biết, lũ lụt nghiêm trọng đã tàn phá nhiều khu vực rộng lớn của nước này kể từ tháng 7 vừa qua, khiến hàng trăm nghìn người phải đi di tản.
Lũ lụt gây ngập lụt nghiêm trọng tại nhiều địa phương của Nam Sudan. (Ảnh: Sudan Tribune)
Ước tính có hơn 900 nghìn người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó bao gồm những người phải đi di tản trong nước, những người tị nạn và cộng đồng dân cư tiếp nhận họ. Theo điều phối viên nhân đạo của COHA Alain Noudeho, tình hình sẽ tiếp tục nghiêm trọng khi mà mưa được dự báo sẽ tiếp tục trong 4 đến 6 tuần tới, đặt cuộc sống của người dân trước nhiều nguy cơ. Lũ lụt cũng làm hạn chế việc tiếp cận với các cơ sở y tế, các trung tâm dinh dưỡng, các dịch vụ cơ bản và chợ búa.
Trên khắp 32 quận huyện bị ngập lụt thuộc các bang Jonglei, Upper Nile, Warrap, Eastern Equatoria, Northern Bahr el Ghazal, Unity và khu vực Lakes, hơn 3 triệu người dân thậm chí cần được hỗ trợ nhân đạo trước xảy ra mưa lớn. Nhiều khu vực bị ảnh hưởng phải đối mặt với các nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở mức cao trước khi lũ lụt bắt đầu, với hơn 60% người dân bị suy dinh dưỡng cấp tính ở các mức độ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, OCHA cũng cảnh báo rằng, có khoảng 800.000 người đứng trước nguy cơ của dịch bệnh và tình trạng đói kém nghiêm trọng tại quốc gia Đông Phi vốn bị chiến tranh tàn phá này.
Tại Somalia, ước tính có khoảng 182.000 người phải di dời nhà cửa do lũ lụt – theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Đất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đường sá bị phá hủy, sinh kế của người dân bị phá vỡ tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại bang Hirshabelle, mực nước của sông Shabelle ở thị trấn Belet Weyne và các khu vực lân cận ở mức cao, dẫn đến sự cố tràn bờ vào ngày 26/10, nhấn chìm ba thị trấn. 3 người dân (trong đó gồm 2 trẻ dưới 10 tuổi) đã bị chết đuối. Các báo cáo mới nhất trong ngày 28/10 cho thấy, một chiếc thuyền chở 20 người đã bị lật trên sông ở thị trấn Belet Weyne. Số thương vong trong vụ việc này chưa được xác nhận.
Người dân Zambia bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhận hỗ trợ lương thực. (Ảnh: Lusakatimes)
Trong khi đó, Zambia lại chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn hán. Liên hợp quốc (UN) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp kéo dài 7 tháng tại quốc gia này. Hiện UN đang tìm kiếm khoản tiền trị giá 89,5 triệu USD để hỗ trợ lương thực khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi sớm cho 2,3 triệu người dân. Hơn 2,4 triệu người trong tổng số 17 triệu dân Zambia có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu đói nghiêm trọng do mất mùa, kéo dài từ tháng 10/2019 đến tháng 3/2020 và ít nhất 430.000 người cần phải hỗ trợ khẩn cấp.
Chính phủ Zambia đã huy động được 36,7 triệu USD cho các vấn đề như an ninh lương thực, dinh dưỡng, y tế, nguồn nước, vệ sinh môi trường, các dịch vụ giáo dục và bảo vệ theo kế hoạch riêng của họ. Tuy nhiên nước này cũng đề nghị sự giúp đỡ của các đối tác quốc tế nhằm lấp đầy khoảng trống viện trợ./.