Nhiệt độ kỷ lục đòi hỏi hành động vì khí hậu

Thứ sáu, 02/08/2019 17:02
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 1/8 tuyên bố nêu rõ: Hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng diễn biến nghiêm trọng với những kỷ lục liên tiếp về nhiệt độ được ghi nhận trong mùa hè này, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động khẩn cấp nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân chính dẫn tới biến đổi khí hậu.
Một bé gái đang vui đùa giữa những vòi nước trong cái nóng của mùa hè (Ảnh: UN).

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), ông António Guterres lưu ý: "Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Khí tượng Thế giới và trung tâm khí hậu học, tháng 7 ít nhất bằng, nếu không cao hơn, tháng nóng nhất trong lịch sử. Điều này diễn ra sau tháng 6 nóng nhất mọi thời đại".

Những năm từ 2015 đến 2019 có thể là khoảng thời gian 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận. Chỉ riêng trong năm nay, nhiệt độ kỷ lục đã được ghi nhận ở New Delhi (Ấn Độ), Neo (Alaska, Mỹ), Paris (Pháp), Santiago (Chile), Adelaide (Autralia) và vòng Bắc cực.

"Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ chống lại biến đổi khí hậu thì những sự kiện thời tiết khắc nghiệt này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi" – Tổng thư ký Guterres nói.

Người đứng đầu Liên hợp quốc đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào ngày 23/9 tới đây, trước đó là hội nghị thượng đỉnh của thanh niên về khí hậu vào ngày 21/9, với sự tham gia của nhà hoạt động người Thụy Điển Greta Thunberg. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đến hội nghị thượng đỉnh về khí hậu với những kế hoạch cụ thể và đầy tham vọng. "Chúng ta cần giảm 45% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Chúng ta cần đạt được tính trung lập carbon vào năm 2050" – Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh.

Căng thẳng địa chính trị

Ngoài những đợt nắng nóng trong mùa hè này, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về căng thẳng địa chính trị xảy ra gần đây.

Ông António Guterres phát biểu đầy lo lắng về căng thẳng gia tăng ở Vịnh Ba Tư. Trong khi một tính toán sai lầm nhỏ có thể dẫn đến một cuộc đối đầu lớn, người đứng đầu Liên hợp quốc đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo liên quan cần "kiềm chế tối đa".

Bên cạnh đó, Tổng thư ký cũng bày tỏ lo ngại về sự xích mích ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc). "Chúng ta cần học hỏi từ Chiến tranh Lạnh và tránh một cuộc chiến mới" – ông nhấn mạnh.

Cuối cùng, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về căng thẳng đang gia tăng giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân. "Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là một thỏa thuận lịch sử đã giúp ổn định châu Âu và chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Khi nó hết hạn vào ngày mai, thế giới sẽ mất một cú hích quý giá về chiến tranh hạt nhân...." – ông lưu ý.

Nhân dịp này, Tổng thư ký cũng kêu gọi Mỹ và Nga gia hạn thỏa thuận được gọi là "Khởi đầu mới" nhằm cung cấp sự ổn định và thời gian cần thiết để đàm phán các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực