Thứ sáu, 29/09/2017 15:56 (GMT+7)
(ĐCSVN) – 16 năm sau khi thông qua nghị quyết 1373 (năm 2001) của Hội đồng Bảo an yêu cầu các chính phủ có hành động cụ thể để đấu tranh chống lại mối đe dọa khủng bố, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc vừa được bầu làm lãnh đạo Văn phòng chống khủng bố đã công bố trước Hội đồng Bảo an những ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
Ông Vladimir Ivanovich Voronkov phát biểu tại Hội đồng Bảo an (Ảnh: UN)
Theo đó, ông Vladimir Ivanovich Voronkov bảo đảm mong muốn đóng góp cho cuộc chiến này một cách có chất lượng, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các nước thành viên, huy động các nguồn lực và tỏ rõ tinh thần lãnh đạo, tất cả trong một khuôn khổ chặt chẽ và phối hợp tốt.
Nhà lãnh đạo của Văn phòng chống khủng bố xác định 6 lĩnh vực mấu chốt: Tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, phòng chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực đối với chủ nghĩa khủng bố trong Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc, việc các phần tử khủng bố sử dụng Internet, đối thoại đa văn hóa, mối đe dọa của các phần tử khủng bố nước ngoài, trao đổi thông tin và thực tiễn chống khủng bố tốt.
Với cương vị được giao đứng đầu Văn phòng, ông Voronkov kêu gọi một quan hệ đối tác quốc tế mới trong cuộc chiến chống khủng bố. Để cuộc chiến chống khủng bố là một phần trong khuôn khổ chặt chẽ và được điều phối tốt, ông đề nghị gắn kết 4 lĩnh vực hành động của Liên hợp quốc: Hội đồng Bảo an và các cơ quan trực thuộc; Đại hội đồng, Chiến lược chống khủng bố toàn cầu và các nghị quyết và văn kiện quốc tế; Tổng thư ký và Ban Thư ký của Liên hợp quốc, trong đó có Văn phòng chống khủng bố; và 38 tổ chức và cơ quan Liên hợp quốc đóng góp cho cuộc chiến chống khủng bố.
Nghị quyết 1373 đã được thông qua trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York, Washington (DC) và tại Pennsylvania, dẫn đến sự ra đời của Ủy ban chống khủng bố, và sau đó vào năm 2004, là sự ra đời của Ban Giám đốc điều hành Ủy ban.
16 năm sau, ngày 15/6/2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết thành lập Văn phòng chống khủng bố và chào đón cải cách thể chế quan trọng đầu tiên của tân Tổng thư ký Antonio Guterres. Đại hội đồng tách từ Bộ phận các vấn đề chính trị hiện có Văn phòng của Lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và Trung tâm chống khủng bố của Liên hợp quốc, cũng như tách các nhân viên của họ và tất cả các nguồn lực thường xuyên và bất thường ngoài ngân sách được phân bổ, và nhóm lại với nhau để thành lập Văn phòng chống khủng bố.
Trước đó, hồi đầu năm nay (ngày 23/2), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất thành lập một văn phòng mới để lãnh đạo nỗ lực chung của toàn thế giới chống chủ nghĩa khủng bố. Theo ông, Văn phòng chống khủng bố được ủy nhiệm để thúc đẩy việc thực hiện Chiến dịch chống khủng bố và đồng thời hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia trong việc xây dựng năng lực chống khủng bố bởi mục tiêu của chúng ta là xây dựng một cơ chế hợp tác mới đoàn kết các quốc gia thành viên Liên hợp quốc để chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố quốc tế./.
Khánh Linh (Theo UN, AFP)