Bãi rác Ghazipur cao thêm gần 10 mét mỗi năm, hiện đã cao khoảng 65 mét (Ảnh: AFP)
Đến bãi rác Ghazipur ở rìa phía Đông thành phố New Delhi, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy diều hâu và những loại chim săn mồi khác bay lượn quanh đỉnh núi rác cao ngất ngưởng, chó mèo và chuột đi lang thang quanh bãi rác bốc mùi hôi thối.
Với diện tích tương đương hơn 40 sân bóng đá, bãi rác Ghazipur cao thêm gần 10 mét mỗi năm và mùi hôi thối chưa có dấu hiệu giảm. Ước tính, bãi rác này hiện đã cao hơn 65 mét. Với tốc độ như hiện nay, bãi rác này sẽ cao hơn đền Taj Mahal ở Agra (cao 73 mét) vào năm 2020.
Bãi rác Ghazipur được mở cửa vào năm 1984 và đạt sức chứa tối đa vào năm 2002 và lẽ ra cần được đóng cửa khi đó. Nhưng cho đến nay, rác thải của thành phố vẫn được mang đến đó mỗi ngày qua hàng trăm chuyến xe tải.
Một quan chức thành phố New Delhi cho biết, khoảng 2.000 tấn rác thải được tập kết ở bãi rác Ghazipur mỗi ngày.
Vào năm 2018, mưa lớn đã khiến một phần của núi rác đổ sập khiến 2 người tử vong. Sau sự việc này, lệnh cấm đổ rác ở Ghazipur đã được ban hành, tuy nhiên biện pháp này chỉ được áp dụng trong vài ngày do giới chức chưa tìm được phương án thay thế.
Bãi rác Ghazipur còn dễ gây những nguy cơ hỏa hoạn khi khí mê-tan dễ cháy bốc lên từ bãi rác, lửa thường bùng phát và phải mất vài ngày để dập tắt. Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Shambhavi Shukla (Trung tâm Khoa học và Môi trường ở New Delhi), khí mê-tan từ bãi rác có thể trở nên nguy hiểm hơn khi bốc lên bầu khí quyển.
Bên cạnh đó, nước thải từ bãi rác đã chảy vào một dòng kênh ở địa phương, gây nguy hại đến sức khỏe con người. Người dân địa phương cho biết, bãi rác khiến bầu không khí ở khu vực này trở nên rất khó chịu. Mùi độc hại khiến cuộc sống của họ trở thành địa ngục.
Người dân địa phương mưu sinh trên bãi rác Ghazipur (Ảnh: AFP)
Một nghiên cứu gần đây cho thấy bãi rác Ghazipur gây tổn hại sức khỏe của cộng đồng sinh sống trong phạm vi 5 km quanh bãi rác, trong đó có nguy cơ ung thư.
Theo khảo sát của Chính phủ Ấn Độ thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2017, thủ đô New Delhi ghi nhận 981 ca tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, trong khi hơn 1,7 triệu người mắc các bệnh nhiễm trùng.
Các thành phố của Ấn Độ là nơi sản sinh ra lượng rác lớn nhất trên thế giới, với khoảng 62 triệu tấn mỗi năm. Vào năm 2030, con số này có thể tăng lên 165 triệu tấn, theo các số liệu của Chính phủ nước này./.