Ô nhiễm môi trường làm 9 triệu người thiệt mạng mỗi năm

Thứ sáu, 20/10/2017 21:38
(ĐCSVN) – Tạp chí y tế nổi tiếng The Lancet vừa công bố một nghiên cứu cho biết mỗi năm trên thế giới có 9 triệu người tử vong do ô nhiễm môi trường.

Bài nghiên cứu cũng khẳng định trung bình trong 6 trường hợp tử vong có một trường hợp tử vong do tác động của môi trường (bao gồm không khí, nước, đất,...)

Các con số được đưa ra trong các bài nghiên cứu khác nhau cho thấy mức độ nghiêm trọng của chất lượng môi trường sống hiện nay. Cơ quan môi trường châu Âu vừa công bố một báo cáo thường niên vào ngày 11/10 về chất lượng không khí, theo đó, ô nhiễm không khí là nguyên nhân của 500.000 trường hợp tử vong sớm (dưới 65 tuổi) tại châu Âu mỗi năm. Ngày 20/10, tạp chí The Lancet công bố kết quả nghiên cứu rằng có đến 9 triệu người trên thế giới tử vong vì nguyên nhân ô nhiễm môi trường, trong đó, 1,8 triệu người tử vong vì ô nhiễm môi trường đất và nước, 0,8 triệu người tử vong do môi trường làm việc không an toàn.

9 triệu người tử vong, chiếm 16% số ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới là hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay. Theo đó, số người tử vong nhiều gấp 3 lần số người tử vong do AIDS, bệnh lao và sốt rét cộng lại.

Báo cáo này là bài báo cáo đầu tiên đánh giá tác động tổng thể của tất cả các loại ô nhiễm tới sức khỏe con người. Đây là kết quả của một nghiên cứu kéo dài 2 năm của hơn 40 chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề sức khỏe và môi trường.

Bất công môi trường  

Hơn 70% các trường hợp tử vong do ô nhiễm môi trường đều mắc các bệnh không lây như bệnh tim, đột quỵ (stroke), ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh về đường tiêu hóa hay bị nhiễm trùng kí sinh trùng.

Đáng chú ý hơn nữa, người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những người nghèo. Khoảng 92% trong số 9 triệu ca tử vong đến từ các nước thu nhập thấp và thu nhất trung bình (thu nhập dưới 12.235 USD theo phân loại của Ngân hàng thế giới). Nghiên cứu này cũng chỉ ra 1/4 các trường hợp tử vong đến từ các nước có tốc độ công nghiệp hóa nhanh như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Madagascar và Kenya.

Bất kể trình độ phát triển của các quốc gia, ô nhiễm môi trường đều ảnh hưởng không cân xứng đến những nhóm dân cư nghèo và cận biên. Các tác giả của bài nghiên cứu trên The Lancet chỉ ra “những bất công về môi trường” của các nạn nhân trong trại tị nạn ở Rome (Ý) và ở một mỏ khai thác khoáng sản ở Kosovo hay một khu phố nghèo ở New York là như nhau.

Ngoài các ảnh hưởng về con người, nhóm tác giả cũng cố gắng đánh giá các tác động kinh tế. Theo đó, những người nghèo hơn lại phải chịu những cái giá đắt hơn do ô nhiễm môi trường. Ở các nước đang phát triển, bài báo cáo ước tính các loại bệnh do ô nhiễm môi trường đã làm giảm 1,3% tổng GDP. Con số này ở các nước công nghiệp phát triển chỉ là 0,5%. Ô nhiễm môi trường cũng làm chi phí y tế ở các nước đang phát triển tăng lên 8,3% (so với 4,5% ở các nước phát triển và 6,2% trung bình) tương đương với 4,5 tỷ đô la mỗi năm.

Báo cáo “chưa đầy đủ”

Tình hình thực tế có thể còn tồi tệ hơn thế. Nhóm 40 tác giả cho rằng họ đã “đánh giá thấp” tình hình thực tế vì “còn nhiều chất ô nhiễm hóa học mới vẫn chưa được xác định”. “Hơn 140.000 hóa chất mới và thuốc trừ sâu đã được phát hiện từ năm 1950”, bản báo cáo cho biết. Trong số 5000 chất được sử dụng nhiều nhất, chỉ có 1/4 số đó đã được nghiên cứu và đánh giá độc tính trước khi đưa ra thị trường.

“Mặc dù có tác động đáng kể đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường thì vấn đề ô nhiễm vẫn bị lãng quên trong các chính sách y tế quốc tế. Mục tiêu của chúng tôi là nâng cao nhận thức toàn cầu về vấn đề ô nhiễm môi trường và vận động chính trị để có thể thay đổi điều này.” – Giáo sư Philip Landrigan, đồng chủ biên của bài nghiên cứu và là giảng viên tại Trường Y  Icahn (New York, Mỹ).

Bài báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị: tích hợp đánh giá ô nhiễm môi trường trong kế hoạch hành động toàn cầu đối với chiến dịch chống các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đưa việc chống ô nhiễm môi trường thành một ưu tiên quốc tế, phát triển hệ thống giám sát tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe./.

Thu Thủy (theo Le Monde, The Lancet)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực