Biến đổi khí hậu có thể dẫn tới nước biển dâng. (Ảnh minh họa: Khánh Linh)
Theo WMO, những thay đổi đột ngột trong khí quyển quan sát thấy trong 70 năm qua là chưa từng có. "Lần cuối cùng trái đất có hàm lượng CO2 tương đương, đó là cách đây từ 3 – 5 triệu năm: nhiệt độ lúc đó cao hơn 2 – 3°C và mực nước biển cao hơn 10 – 20m so với mức hiện tại", vì sự tan chảy của các tảng băng.
Ngoài ra, số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) cũng cho thấy, kể từ năm 1990, tổng bức xạ do toàn bộ khí nhà kính tồn tại lâu dài, vốn dẫn tới hiện tượng ấm lên của hệ thống khí hậu, đã tăng 40%, và trong năm 2016 tăng 2,5% so với năm 2015.
WMO đánh giá hiện tượng "tăng vọt" mức CO2 là do "sự kết hợp các hoạt động của con người và một giai đoạn El Nino mạnh mẽ", hiện tượng khí hậu xuất hiện 4 hoặc 5 năm một lần và kết quả dẫn tới sự gia tăng nhiệt độ của Thái Bình Dương, gây hạn hán hoặc mưa lớn. Theo Đánh giá về khí nhà kính, lượng carbon dioxide trong khí quyển hiện nay chiếm tới 145% lượng khí thải vào thời kỳ tiền công nghiệp (trước năm 1750).
Trước thực trạng đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo về những hậu quả do sự gia tăng nhanh chóng nồng độ CO2 và các khí nhà kính khác trong khí quyển gây ra, vốn có "khả năng kích hoạt một sự thay đổi chưa từng thấy của hệ thống khí hậu” và do đó dẫn đến "những biến động về sinh thái và kinh tế nghiêm trọng". "Nếu chúng ta không nhanh chóng giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là khí thải CO2, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự gia tăng rất nguy hiểm nhiệt độ vào cuối thế kỷ này, mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về Khí hậu" – Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo. “Theo những định luật vật lý, nhiệt độ sẽ cao hơn đáng kể và các hiện tượng khí hậu sẽ cực đoan hơn trong tương lai. Nhưng chúng ta không có cây đũa thần để loại bỏ lượng CO2 dư thừa trong khí quyển" – ông Taalas nhấn mạnh.
WMO cũng một lần nữa nhấn mạnh rằng kể từ khi kỷ nguyên công nghiệp, hoặc từ năm 1750, tốc độ tăng trưởng dân số, việc thực hành nông nghiệp tăng cường hơn, sử dụng đất nhiều hơn, nạn phá rừng, công nghiệp hóa và khai thác nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng đã góp phần làm tăng lượng khí nhà kính trong khí quyển.
"Những con số không biết nói dối” – ông Erik Solheim, Giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khẳng định. Theo ông, "những kênh phát thải này tiếp tục quá cao và chúng ta phải đảo ngược xu hướng. Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo chắc chắn tăng lên rất nhiều, nhưng bây giờ chúng ta phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm rằng các công nghệ carbon thấp mới này có thể phát triển". "Chúng ta đã có nhiều giải pháp để đối mặt với thách thức này. Tất cả những gì còn thiếu là ý chí chính trị của cộng đồng quốc tế và việc chấp nhận điều hiển nhiên: thời gian đang rất gấp" – ông nêu rõ.
Đánh giá về khí thải gây hiệu ứng nhà kính được công bố hàng năm, dựa trên các quan sát của Chương trình Giám sát Khí quyển Toàn cầu của WMO. Những quan sát này góp phần giám sát nồng độ khí nhà kính, vốn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hiện tượng thay đổi khí hậu trong khí quyển và báo cáo về sự dao động của chúng giống như các hệ thống cảnh báo sớm.
Đánh giá được WMO công bố vào thời điểm một tuần trước Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP23) tại Bonn (Đức), dự kiến bắt đầu từ ngày 6 – 17/11 tới đây./.