Một cậu bé Malagascar sống sót sau khi bị nhiễm bệnh dịch hạch hồi năm 2011 (Ảnh: IRIN)
Phát biểu với giới báo chí, Giám đốc khu vực về các trường hợp khẩn cấp ở châu Phi của WHO, Tiến sĩ Ibrahima Socé Fall tuyên bố: Trong số 1.153 trường hợp được báo cáo, 300 trường hợp đã được xác nhận. "Đây là những con số động bởi vì khi một trường hợp nghi ngờ, có thể mất một vài ngày trước khi xác nhận các mẫu trong phòng thí nghiệm" – ông nói.
Tổng cộng, 14 trong số 22 khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng theo Tiến sĩ Ibrahima Socé Fall, bệnh dịch hạch bùng phát mạnh nhất ở tỉnh Tamatar và Antananarivo, thủ đô của Madagascar. "Đây là hai nơi có mật độ dân số rất đông" – ông lưu ý.
Theo WHO, hầu hết các bệnh nhân được xác định tại Madagascar đã bị nhiễm bệnh dịch hạch phổi, một dạng nguy hiểm hơn của căn bệnh này, ảnh hưởng đến phổi và được lây truyền trong trường hợp tiếp xúc gần gũi với một người bệnh bị ho. Bệnh dịch hạch và bệnh dịch hạch thể phổi có thể chữa được nếu điều trị kháng sinh sớm. Thuốc kháng sinh cũng có thể ngăn ngừa lây nhiễm đối với những người đã tiếp xúc với bệnh dịch hạch.
Để giải quyết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe này, Tổ chức Y tế Thế giới đã giao gần 1,3 triệu liều thuốc kháng sinh và đã phân bổ 1,5 triệu USD từ quỹ khẩn cấp cho Madagascar. Nhiều loại thuốc khác nhau sẽ được sử dụng cho các mục đích chữa bệnh và dự phòng. Số thuốc được phân phối có thể điều trị 5.000 bệnh nhân và bảo vệ 100.000 người có thể bị phơi nhiễm với bệnh này.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc cũng đã được phân phối cho các cơ sở y tế và phòng khám di động trên toàn đất nước Madagascar, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế nước này và các đối tác. WHO cũng đề cập đến sự thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm khử trùng và thiết bị bảo vệ cá nhân cho các chuyên gia y tế và tổ chức chôn cất an toàn.
Giám đốc khu vực về các trường hợp khẩn cấp ở châu Phi của WHO cho biết Madagascar đang trong giai đoạn bùng phát của bệnh dịch hạch. Vì vậy, vấn đề khẩn cấp đối với các nhân viên cứu trợ nhân đạo tại đây là ngăn chặn sự lây lan của virus. "Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nguy cơ sẽ biến mất vì virus chỉ khoanh vùng trong quốc gia này" – Tiến sĩ Ibrahima Socé Fall cảnh báo. "Ngay cả khi chúng ta có thể ngăn chặn dịch” thì vẫn "phải tiếp tục cảnh giác bởi vì sẽ rất khó để tiêu diệt virus trong một đất nước mà hơn 90% dân số sống dưới mức hai đô-la một ngày".
Mặt khác, WHO nhấn mạnh rằng mức độ lan truyền của dịch bệnh này ở quy mô quốc tế "thấp vì nó là một căn bệnh có thể ngăn ngừa được". "Nhưng mặc dù điều đó, WHO vẫn đang hợp tác với các nước láng giềng của Madagascar để tăng cường giám sát tại các sân bay nhằm bảo đảm các trường hợp có nguy cơ tiềm ẩn không đi qua các phương tiện vận tải hàng không" – WHO cảnh báo.
Theo WHO, bệnh dịch hạch xuất hiện lại gần như mỗi năm ở Madagascar, thường là từ tháng 9 đến tháng 4. Tuy nhiên, năm nay, dịch bệnh bắt đầu sớm hơn, từ tháng 8 và đã lan rộng đến các khu vực đô thị lớn, không giống như các lần dịch trước đó./.