Trẻ em chịu gánh nặng nhất của nghèo đói (Ảnh minh họa: KL).
Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu (MPI) năm 2019 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy trong 101 quốc gia được khảo sát (31 nước thu nhập thấp, 68 nước thu nhập trung bình và hai nước thu nhập cao), có 1,3 tỷ người "nghèo đa chiều" và trẻ em chiếm hơn một nửa số đó.
Nghèo đa chiều không chỉ được đo bằng thu nhập, mà bằng một bộ các chỉ số có tính đến sức khỏe kém, điều kiện làm việc kém hoặc mối đe dọa bạo lực. Mỗi thành viên của một hộ gia đình nhất định được phân loại là nghèo hoặc không nghèo tùy thuộc vào số lượng thiếu hụt mà hộ gia đình đó phải gánh chịu. Những dữ liệu này sau đó được tổng hợp thành thước đo nghèo đói quốc gia.
Nghèo đói ở khắp nơi và bất bình đẳng dày đặc trong các quốc gia
"Hành động chống đói nghèo là cần thiết ở tất cả các khu vực đang phát triển" – Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 11/7 lưu ý, đồng thời nhấn mạnh rằng khu vực châu Phi hạ Sahara và Nam Á có tỷ lệ người nghèo lớn nhất (khoảng 84,5%).
Ở những khu vực này, mức độ bất bình đẳng được mô tả là "dày đặc": Ở châu Phi hạ Sahara, tỷ lệ người nghèo dao động từ 6,3% ở Nam Phi đến 91,9% ở Nam Sudan. Sự chênh lệch ở Nam Á dao động từ 0,8% ở Maldives đến 55,9% ở Afghanistan.
Nhiều quốc gia được nghiên cứu trong báo cáo cho thấy mức độ bất bình đẳng nội bộ "sâu rộng". Ví dụ, ở Uganda, tỷ lệ nghèo đói đa chiều ở các tỉnh khác nhau, dao động từ 6% ở Kampala, thủ đô của quốc gia này, đến 96,3% ở Karamoja.
Trẻ em chịu gánh nặng nhất của nghèo đói
Hơn một nửa trong số 1,3 tỷ người được xác định là nghèo, khoảng 663 triệu, là trẻ em dưới 18 tuổi và khoảng 1/3 (khoảng 428 triệu em) dưới 10 tuổi.
Phần lớn những đứa trẻ này, khoảng 85%, sống ở Nam Á và châu Phi hạ Sahara, phân chia gần như bằng nhau giữa hai khu vực. Tình hình đặc biệt đáng báo động ở Burkina Faso, Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan và CH Chad, nơi 90% trẻ em dưới 10 tuổi được coi là nghèo đa chiều.
Dấu hiệu tiến bộ giảm nghèo
Báo cáo của UNDP cũng đánh giá tiến bộ trong việc đạt được Mục tiêu 1 của Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030, đó là cuộc chiến chống đói nghèo "dưới mọi hình thức, ở mọi nơi".
Báo cáo xác định 10 quốc gia đại diện cho dân số khoảng 2 tỷ người để minh họa mức độ giảm nghèo. Tất cả đều cho thấy sự tiến bộ có ý nghĩa trong việc đạt được Mục tiêu 1. Mức giảm nhanh nhất được ghi nhận ở Ấn Độ, Campuchia và Bangladesh.
Theo ông Pedro Conceição, Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, báo cáo vừa được công bố đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về nghèo đói và chỉ ra nơi các chính sách có thể nhắm mục tiêu nhằm bù đắp những thiếu thốn của con người, có thể là giáo dục, y tế hoặc những thứ khác có thể giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo nếu những khoản đầu tư này được thực hiện.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng, nếu chỉ một biện pháp duy nhất thì không thể cung cấp hướng dẫn đầy đủ để loại bỏ bất bình đẳng và nghèo đa chiều; và các nghiên cứu như MPI, Chỉ số phát triển con người và hệ số Gini (đo lường sự phân phối thu nhập từ sự giàu có của các quốc gia) có thể cung cấp thông tin riêng biệt quan trọng cho các hành động chính sách nhằm giảm nghèo hiệu quả./.