Đây là những nội dung chính trong báo cáo đầu tiên về sức khỏe của người tị nạn và di cư ở khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được công bố ngày 21/1. Báo cáo của WHO dựa trên đánh giá của hơn 13.000 tài liệu về sức khỏe của người tị nạn và người di cư ở khu vực châu Âu, cung cấp một góc nhìn về tình hình của người di cư và tị nạn, nhất là trong thời điểm mà tình hình di cư quốc tế đang gia tăng.
Báo cáo cho biết, khoảng 68,5 triệu người trên toàn thế giới hiện đang di dời nơi ở, trong số này có 25,4 triệu người phải băng qua các đường biên giới quốc tế để tìm kiếm sự an toàn.
Chăm sóc y tế là rất cần thiết đối với sức khỏe của người tị nạn và người di cư
(Ảnh: WHO)
WHO đã chỉ ra 10 điều liên quan đến sức khỏe của người tị nạn và người di cư:
1. Vấn đề sức khỏe của người tị nạn và người di cư rất quan trọng:
Sức khỏe là quyền cơ bản của con người; người tị nạn và người di cư có đóng góp tích cực cho sự phát triển của cả quốc gia tiếp nhận họ và quốc gia quê hương họ; cung cấp các tiếp cận kịp thời với những dịch vụ y tế có chất lượng cho người tị nạn và người di cư là cách tốt nhất để cứu người và cắt giảm những chi phí chăm sóc, cũng như bảo đảm sức khỏe cho người dân.
2. Số lượng người di cư thường bị ước tính quá cao:
Người dân tại một số quốc gia châu Âu ước tính số lượng người di cư cao hơn gấp 3-4 lần con số thực tế. Cho đến nay, số lượng người tị nạn và di cư trên toàn cầu tính theo tỷ lệ phần trăm vẫn ở mức ổn định trong vài thập kỷ qua, chiếm khoảng 3% dân số thế giới. Đối lập với nhận thức cho rằng người tị nạn thường đến các nước giàu, có tới 85% người tị nạn trên toàn cầu được tiếp nhận tại các nước đang phát triển.
3. Người tị nạn và di cư về tổng thể là khỏe mạnh:
Nhưng họ có thể đối mặt với nguy cơ ốm yếu trong quá trình di chuyển hoặc khi ở những nước tiếp nhận họ do điều kiện sống nghèo nàn hay do sự thay đổi trong lối sống như thức ăn và nước uống không đủ, gia tăng nhiều căng thẳng…
4. Người tị nạn và di cư có thể đối mặt với những thách thức trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe:
Các lý do bao gồm: ình trạng pháp lý của họ, rào cản ngôn ngữ và sự phân biệt đối xử. Chiến lược y tế của một số quốc gia có thể không bao gồm sức khỏe của người tị nạn và di cư hoặc sự tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế cho họ. WHO kêu gọi tất cả các quốc gia hoàn tất các chính sách để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tất cả người di cư và tị nạn, bất kể tình trạng pháp lý của họ.
5. Người tị nạn và người di cư có nguy cơ mắc các bệnh ung thư thấp hơn, ngoại trừ ung thư cổ tử cung:
Tuy nhiên, một khi đã phát hiện thì lại thường ở giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư, do vậy dẫn đến tình trạng bệnh thường xấu hơn so với người dân ở nước bản địa. Người tị nạn và di cư cũng có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao hơn người dân bản địa đối với bệnh tiểu đường.
6. Sự yếu kém trong hệ thống y tế ở quốc gia xuất xứ:
Sống trong điều kiện vệ sinh yếu kém cùng nguồn nước bị ô nhiễm trước hoặc trong hành trình di cư làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng, bao gồm các bệnh có thể ngăn ngừa được bằng vắc-xin. Bởi vậy, điều cần thiết là họ nhận được sự bảo vệ để chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm và các nhân viên y tế tuyến đầu hiểu được các nguy cơ đối với sức khỏe người dân. Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết các trường hợp dương tính với HIV đều được xác định sau khi họ đến châu Âu. Do đó, WHO chỉ ra rằng, có nguy cơ rất thấp người tị nạn và di cư mang các bệnh truyền nhiễm đến các cộng đồng dân cư tiếp nhận họ.
Trầm cảm và lo lắng là những biểu hiện dễ nhận thấy ở người tị nạn và di cư (Ảnh: WHO)
7. Những rối loạn căng thẳng phổ biến ở người tị nạn và xin tị nạn cao hơn so với cộng đồng dân cư bản địa:
Trầm cảm và lo lắng là những điều thường xuyên được báo cáo về người tị nạn và di cư, do liên quan đến quá trình xin tị nạn kéo dài và các điều kiện kinh tế xã hội yếu kém như tình trạng thất nghiệp hay bị cô lập.
8. Nhóm người di cư lao động trở thành nhóm lớn nhất trong cộng đồng người di cư toàn cầu:
Khoảng 12% lực lượng lao động ở khu vực châu Âu là người di cư trong năm 2015. Vấn đề đặt ra là họ phải làm việc trong nhiều điều kiện khác nhau, thậm chí đối mặt với những mối nguy hiểm từ công việc đối với sức khỏe. Những người di cư nam giới gặp nhiều chấn thương trong công việc hơn là những lao động không phải người di cư.
9. Trẻ em không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng đặc biệt dễ bị tổn thương:
Trẻ em phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe cũng như các vấn đề xã hội như nạn bắt cóc, buôn bán người trái phép. Trẻ em cũng dễ bị lạm dụng tình dục và chiếm tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm và các rối loạn căng thẳng cao hơn.
10. Cần có các hệ thống y tế thân thiện đối với người tị nạn và người di cư:
Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp bảo hiểm y tế có chất lượng, giá cả phải chăng cũng như bảo trợ xã hội cho tất cả người tị nạn và di cư, không kể tình trạng pháp lý của họ; giảm bớt rào cản ngôn ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn của các nhân viên y tế trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm; cải thiện việc thu thập dữ liệu về sức khỏe của người tị nạn và di cư,…./.