WHO kêu gọi bảo vệ các cơ sở y tế trong xung đột

Thứ ba, 09/04/2024 11:22
(ĐCSVN) – Ngày 8/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi nỗ lực để bảo vệ các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế khỏi bạo lực có chủ đích trong các cuộc xung đột.
Người dân đứng trước Bệnh viện Al-Shifa ở Gaza bị phá hủy nặng nề bởi xung đột, ngày 1/4/2024.
(Ảnh: Tân Hoa Xã) 

Phát biểu tại một cuộc thảo luận tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Ghebreyesus trăn trở: Thiệt hại đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nhân viên y tế đã trở thành "chuyện thường", như những gì chúng ta đã thấy ở Gaza, Sudan và Ethiopia.

Thông điệp trên được người đứng đầu WHO đưa ra sau các cuộc tấn công chết người nhằm vào các nhân viên cứu trợ do Israel thực hiện, gây ra phẫn nộ và chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Ông Ghebreyesus cảnh báo, bạo lực sẽ gây thêm căng thẳng cho các hệ thống y tế vốn đã quá tải và dẫn đến chấn thương tâm lý cho những bệnh nhân dễ bị tổn thương.

Theo số liệu thống kê do cơ quan y tế Liên hợp quốc cung cấp, trong năm 2023, thế giới đã ghi nhận hơn 1.400 vụ tấn công vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe, khiến 742 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Cùng chung quan điểm, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk, ngày 8/4 nhấn mạnh, các bệnh viện và nhân viên y tế phải có vị trí “bất khả xâm phạm” trong các cuộc xung đột, phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.

Trong khi đó, theo ông Turk, ngay cả tại những khu vực không có xung đột, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán và lũ lụt, gây tổn hại đến sức khỏe và sinh kế của con người.

“Một trong những điều khủng khiếp của chiến tranh là nó luôn xoay quanh việc quản lý khủng hoảng, không có nhiều dư địa để thực sự giải quyết những thách thức lớn của thời đại chúng ta… Cuộc khủng hoảng khí hậu rõ ràng là một trong số đó” – ông Turk nói.

 

Người dân thương tiếc các nạn nhân tử vong tại bệnh viện ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 1/4/2024. (Ảnh: Tân Hoa Xã) 

“Sẽ không có sức khỏe nếu không có hòa bình và ngược lại” - từ lập luận này, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng cần thúc đẩy y tế toàn dân. Trong đó, ông Turk nhấn mạnh việc tiếp cận phổ cập dịch vụ chăm sóc sức khỏe là quyền con người, không phải là vấn đề chính trị. “Điều đó phải tác động đến quyết định ngân sách mà các quốc gia đưa ra” – Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền lưu ý.

Về giải pháp cụ thể, ông Turk và ông Ghebreyesus đề xuất xây dựng cơ chế đối thoại chiến lược hiện tại giữa WHO và Văn phòng nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR).

Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4) năm nay, WHO thực hiện chiến dịch “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi” nhằm bảo vệ quyền sức khỏe của mọi người, ở mọi nơi.

Chiến dịch ủng hộ việc đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng, cũng như nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng, điều kiện làm việc và môi trường tốt, cũng như không bị phân biệt đối xử.

Ông Ghebreyesus lưu ý rằng, Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay diễn ra vào thời điểm thế giới đang phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột bi thảm. Trong bối cảnh đó, người đứng đầu WHO kêu gọi tất cả các bên xung đột cần hành động để bảo vệ quyền về sức khỏe, cụ thể là bảo vệ cơ sở hạ tầng y tế và nhân viên y tế; đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận liên tục các dịch vụ y tế, tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.

Cuối cùng, Tổng Giám đốc WHO kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hướng tới hòa bình, bởi theo ông “sẽ không có sức khỏe nếu không có hòa bình và ngược lại”./.

T.Lan (Theo WHO, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực