WMO: Dự báo năm 2017 là một trong 3 năm nóng nhất

Thứ ba, 07/11/2017 17:11
(ĐCSVN) – Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 6/11 công bố đánh giá nhân Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2017 (COP23), trong đó cho thấy 2017 sẽ trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận và không có hiện tượng El Nino.
Hiện tượng biến đổi khí hậu có thể làm nước biển dâng lên
(Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas lưu ý: “3 năm vừa qua nóng nhất từng được ghi nhận và là một phần của xu hướng nóng lên toàn cầu trong dài hạn”.

Đánh giá của WMO về khí hậu dựa trên thống kê dữ liệu từ tháng 1 tới tháng 9 năm nay, được công bố vào ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2017 (COP23) tại Bonn (Đức).

Đánh dấu bởi nhiều hiện tượng thời tiết có tác động mạnh như các cơn bão và trận lũ lụt thảm họa cũng như những làn sóng nhiệt và hạn hán đặc biệt nghiêm trọng, năm 2017 sẽ được xếp là một trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Theo WMO, việc gia tăng nồng độ carbon dioxide, nước biển dâng và axit hóa đại dương, trong số các chỉ số khác về biến đổi khí hậu, tiếp tục không suy giảm. Mức độ đóng băng của Bắc Cực vẫn thấp hơn bình thường, trong khi tại Nam Cực, mức độ đóng băng trước đó đã ổn định ở mức thấp kỷ lục hoặc gần kỷ lục. Nhiệt độ bề mặt toàn cầu trung bình trong 9 tháng đầu năm cao hơn 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Một số khu vực ở Nam Âu, trong đó có Italy, Bắc Phi, một phần của phía Đông và phía Nam châu Phi, Nga,… đã ghi nhận mức nhiệt trung bình kỷ lục trong giai đoạn được xem xét, trong khi đó ở Trung Quốc, nhiệt độ trung bình cũng đứng đầu.

Ngược lại, Tây Bắc Mỹ và phía Tây Canada có nhiệt độ trung bình thấp hơn mức bình thường trong giai đoạn 1981 – 2010. Chịu tác động của hiện tượng El Niño mạnh, năm 2016 sẽ là năm nóng nhất, năm 2015 và 2017 giữ vị trí thứ hai và thứ ba. Và giai đoạn 2013 – 2017 là giai đoạn 5 năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Dựa trên thông tin do các cơ quan của Liên hợp quốc cung cấp, nghiên cứu này xem xét các tác động của biến đổi khí hậu đối với xã hội, nền kinh tế và môi trường. Đây là một phần trong dự án trên toàn hệ thống của Liên hợp quốc nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những thông tin toàn diện hơn để định hướng chính sách, về sự tương tác giữa các vấn đề thời gian, nước và khí hậu cùng các mục tiêu toàn cầu đặt ra trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.

"Chúng ta đã chứng kiến các điều kiện thời tiết bất thường, chẳng hạn như nhiệt độ cao đỉnh điểm trên 50°C ở châu Á, các cơn bão có cường độ kỷ lục tại Caribê và Đại Tây Dương đã đổ xuống Ireland, lũ lụt tàn phá, ảnh hưởng đến hàng triệu người, hoặc hạn hán khủng khiếp ở Đông Phi" – ông Taalas nhấn mạnh. Trong số những hiện tượng này, nhiều hiện tượng là minh chứng của biến đổi khí hậu do tình trạng tăng nồng độ khí nhà kính tạo ra bởi các hoạt động của con người.

Theo bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (UNFCCC), tất cả những hiện tượng này làm nổi bật những mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với người dân, nền kinh tế của các nước và thậm chí là các cơ chế của sự sống trên trái đất, nếu chúng ta không có hành động phù hợp với các mục tiêu và tham vọng như từng tỏ rõ tại COP22 ở Paris (Pháp)./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP, WMO)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực