Theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu giảm nhưng điều kiện làm việc
của người lao động không được cải thiện (Ảnh minh họa: ILO)
Trong báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu 2019” công bố ngày 13/2, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, gần 3,3 tỷ người lao động trên toàn thế giới không được hưởng đầy đủ các mức an ninh kinh tế, phúc lợi về vật chất cũng như cơ hội thăng tiến.
Số liệu cho thấy, trong năm 2018, trên thế giới có 172 triệu người thất nghiệp, đồng nghĩa với việc cứ trong 20 người ở độ tuổi lao động thì 1 người không có việc làm.
Tuy nhiên, “có việc làm không có nghĩa là đảm bảo một cuộc sống tươm tất”, ông Damian Grimshaw – người đứng đầu cơ quan nghiên cứu của ILO cho biết. Theo ông, có khoảng 700 triệu người đang sống trong điều kiện nghèo tương đối và nghèo cùng cực dù họ có việc làm.
Trong số các vấn đề đặt ra về lao động, tiến bộ về thu hẹp khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động còn chậm là một vấn đề nổi cộm. Chỉ có 48% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, trong khi con số này ở nam giới là 75%.
Một điều đáng quan tâm nữa trong thực tế là có hơn 1/5 số người dưới 25 tuổi không có việc làm, không được giáo dục hay đào tạo, điều này làm ảnh hưởng đến tương lai của họ.
Xét theo khu vực, chỉ có 4,5% dân số trong độ tuổi lao động ở châu Phi bị thất nghiệp, so với 60% có việc làm. Tuy nhiên, điều này là do nhiều người lao động không có cách nào khác mà phải chấp nhận công việc chất lượng kém, thiếu an toàn, không được trả lương xứng đáng và không được hưởng bảo trợ xã hội, chứ không phải vì một thị trường lao động vận hành tốt.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Bắc Mỹ dự kiến đạt mức 4,1% vào năm 2019. Cả tăng trưởng việc làm và hoạt động kinh tế dự kiến bắt đầu suy giảm vào năm 2020.
Tại Mỹ Latinh và Caribe, mặc dù tăng trưởng kinh tế đang dần hồi phục, việc làm dự kiến sẽ chỉ tăng 1,4% mỗi năm vào năm 2019 và năm 2020.
Tại các quốc gia Ả-rập, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến duy trì ổn định ở mức 7,3% tới năm 2020, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ là 15,6%, cao gấp ba lần nam giới.
Tỷ lệ thất nghiệp ở châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 3,6% tới năm 2020, thấp hơn mức trung bình toàn cầu.
Ở Bắc Âu, Nam Âu và Tây Âu, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong một thập kỷ và sẽ tiếp tục giảm tới năm 2020./.