Armenia và Azerbaijan nhất trí tiến tới bình thường hóa quan hệ

Thứ sáu, 08/12/2023 11:16
(ĐCSVN) – Ngày 7/12, Azerbaijan và Armenia đã ra tuyên bố chung, nhất trí ý thực hiện các bước đi mới hướng tới bình thường hóa quan hệ và trao đổi tù nhân chiến tranh, như một phần của các cử chỉ thiện chí chung nhằm thúc đẩy hòa giải giữa hai láng giềng Nam Capcaz.
Một góc thành phố Khankendi của Karabakh. (Ảnh: dailysabah)

Tuyên bố chung cho biết Armenia đã từ bỏ lập trường phản đối việc Azerbaijan đăng cai Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu vào năm tới (COP29).

Diễn biến này đã phần nào hé lộ vọng giải quyết các vấn đề đang tồn tại trên diễn đàn COP28 đang diễn ra ở Dubai, đồng thời cho thấy niềm tin ngày càng được củng cố giữa Azerbajan và Armenia. Trong khuôn khổ Hội nghị COP28, các nước đã không thể tìm được tiếng nói chung về nước đăng cai các cuộc đàm phán về khí hậu năm 2024, trong đó Nga phủ quyết vai trò của các nước Liên minh châu Âu (EU). Quyết định về địa điểm và nước chủ trì các cuộc đàm phán sẽ được đưa ra trong tuần tới.

Hai nước láng giềng Nam Capcaz đã vướng vào cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ về quyền kiểm soát khu vực Nagorno - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Giai đoạn 1991-1994, đối đầu giữa hai nước láng giềng đã leo thang thành hành động quân sự trên diện rộng, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Các cuộc đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Nagorno-Karabakh đã được tổ chức từ năm 1992 với sự trung gian của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cùng vai trò tham gia của Nga, Pháp, Mỹ, Belarus, Đức, Italy, Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, song cũng không thể hạ nhiệt được các cuộc xung đột nhiều lần tái diễn.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao để hóa giải tranh chấp song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.

Năm 2020, xung đột âm ỉ giữa hai nước láng giềng vùng Capcaz đã bị thổi bùng thành một cuộc chiến kéo dài trong 6 tuần và cướp đi sinh mạng của 6.500 người. Tháng 11 cùng năm, xung đột chính thức chấm dứt sau thỏa thuận hòa bình do Nga đóng vai trò trung gian, hé lộ cánh cửa bình thường hóa quan hệ giữa hai láng giềng.

Đến ngày 19/9, Azerbaijan đưa quân đến Nagorno - Karabakh và chỉ sau một ngày giao tranh, nước này tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát khu vực ly khai Nagorno-Karabakh sau khi phe ly khai Armenia hạ vũ khí và giải tán lực lượng.

Cách đây ít lâu, cả Baku và Yerevan đều đề cập tới khả năng ký kết một thỏa thuận hòa bình vào cuối năm nay, ngay cả khi các cuộc đàm phán hòa bình do EU, Mỹ và Nga đóng vai trò trung gian chỉ đạt tiến triển chậm.

Quân nhân Azerbaijan đứng gác tại trạm kiểm soát Lachin ở Nagorno-Karabakh, ngày 1/10/2023. (Ảnh: Aziz Karimov/AP)

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 7/12, hai bên đồng ý "thực hiện các bước hữu hình nhằm xây dựng lòng tin" và tái khẳng định "ý định bình thường hóa quan hệ và ký kết thỏa thuận hòa bình". Baku sẽ trả tự do cho 32 tù nhân chiến tranh Armenia, trong khi Yerevan sẽ trả tự do cho 2 quân nhân Azerbaijan, coi đây là một hành động mang tính nhân văn và thiện chí.

“Hai nước tái xác nhận ý định bình thường hóa quan hệ và đạt được hiệp ước hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” - tuyên bố nhấn mạnh thêm.

Hai láng giềng khẳng định sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin bổ sung sẽ được thực hiện trong tương lai gần nhất và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ những nỗ lực này. Tuyên bố chung cho biết: “Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Azerbaijan chia sẻ quan điểm rằng về cơ hội lịch sử để đạt được nền hòa bình được chờ đợi từ lâu trong khu vực”.

Ngay lập tức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ca ngợi thỏa thuận này là một bước đột phá lớn. Ông cũng đặc biệt hoan nghênh việc Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận trả tự do cho những người bị giam giữ và tạo ra “sự mở đầu chưa từng có tiền lệ trong đối thoại chính trị”.

Ông Michel kêu gọi Armenia và Azerbaijan hoàn tất thỏa thuận hòa bình càng sớm càng tốt./.

Thu Lan (Theo France 24, dailysabah)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực