Châu Âu ghi nhận gần 800.000 ca tử vong vì COVID-19

Thứ tư, 24/02/2021 09:18
(ĐCSVN) – Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 24/2/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 112.615.705 ca nhiễm COVID-19, trong đó 2.494.482 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 348.950 ca mắc và 9.413 ca tử vong mới vì đại dịch.

Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 28.888.029 ca nhiễm COVID-19, trong đó 514.532 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Mỹ (61.365 ca); Brazil (60.344 ca); Pháp (20.064 ca); Ấn Độ (13.463 ca); Italy (13.314 ca); Nga (11.823 ca);  Czechia (11.233 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Mỹ (1.939 ca); Brazil (1.253 ca); Anh (548 ca); Tây Ban Nha (443 ca); Đức (442 ca); Mexico (429 ca); Nga (417 ca); Italy (356 ca)…

Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 33.380.295 người, với 797.964 ca tử vong. Hết ngày 23/2, châu lục này ghi nhận đã có thêm 121.915 ca nhiễm mới và 3.907 ca tử vong vì COVID-19. Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Nga ghi nhận đã có 4.189.153 ca mắc COVID-19 và 84.047 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 23/2, nước này ghi nhận 11.823 ca nhiễm mới và 417 ca tử vong mới.

Nga hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. (Ảnh: TASS)

Tại Pháp, số bệnh nhân mắc COVID-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên 3.407 người, lần đầu tiên kể từ ngày 3/12/2020, con số này vượt quá 3.400 người. Trong khi đó, số ca nhiễm mới theo ngày trung bình trong một tuần lại tăng lên mức cao nhất trong 17 ngày qua. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo dịch bệnh có xu hướng diễn biến tồi tệ hơn trong những ngày gần đây.

Châu Á đã có tổng cộng 24.637.597 ca nhiễm và 393.302 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 72.890 ca mắc và 937 trường hợp tử vong mới.  Riêng tại châu Á, có 23.187.658 ca được điều trị khỏi; 1.056.637 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 21.861 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 23/2, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 13.463 ca mắc mới và 100 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 11.029.326 ca và 156.598 ca.  Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 2,6 triệu ca nhiễm; Iran và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,2 triệu ca nhiễm COVID-19.

Tại ASEAN, khu vực này có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 13.794 ca mắc mới và 353 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.382.276 người mắc COVID-19, trong đó 51.544 ca tử vong. 

Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực. Ngày 23/2, Indonesia ghi nhận có thêm 9.775 ca mắc mới COVID-19 và 323 ca tử vong vì dịch bệnh. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 1.298.608 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 35.014 ca tử vong.

Tại Campuchia, Bộ Y tế nước này cho biết, các nghiên cứu cho thấy tình hình lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay tại nước này nguy hiểm diễn biến phức tạp. Trước diễn biến xấu của đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần thứ 3, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã quyết định áp dụng các biện pháp mạnh tay với người nước ngoài vi phạm quy định phòng chống dịch của nước này. Khách nước ngoài có thể bị trục xuất và cấm trở lại Campuchia nếu trốn cách ly, xét nghiệm hoặc không phối hợp với nhà chức trách trong việc truy vết để ngăn chặn dịch bệnh.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun tuyên bố những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định về giãn cách xã hội sẽ không được nhận hỗ trợ khẩn cấp bằng tiền mặt trong thời gian tới. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc liên tục ghi nhận báo cáo vi phạm các quy định về giãn cách xã hội của các cửa hàng, nhà hàng và doanh nghiệp trên toàn quốc. 

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 68.746 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 33.116.405 ca, tổng số người tử vong là 742.780 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 22.667.824 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.043.632 ca nhiễm và 180.536 ca tử vong.

Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 17.557.934 ca nhiễm; 457.059 ca tử vong và 15.931.404 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 10.257.875 ca nhiễm, trong đó 248.529 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia, New Zealand và Papua New Guinea là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 7 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 28.937 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19.

Tại New Zealand, nước này ghi nhận thêm 6 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tóng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này là 2.363 người. Số ca tử vong tại New Zealand tính tới thời điểm này là 26 ca. Papua New Guinea ghi nhận thêm 34 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên 1.111 ca và 10 ca.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 3.871.841 ca mắc COVID-19, trong đó 102.277 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.505.586 trường hợp, trong đó 49.413 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 998 ca mắc mới COVID-19 và 263 ca tử vong vì đại dịch. Khu vực Nam Phi chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tính về số ca nhiễm, tiếp đến là khu vực Bắc Phi.

Liên quan đến biến thể mới virus SARS-CoV-2, hai nghiên cứu mới của Mỹ công bố ngày 23/2 cho thấy biến chủng SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên ở bang California hồi tháng 12/2020 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn những biến thể ghi nhận trước đó, làm gia tăng quan ngại rằng những biến thể mới có thể khiến số ca mắc vốn đang có chiều hướng giảm lại tăng lên ở Mỹ.

Liên quan đến chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, hai cuộc nghiên cứu riêng rẽ ở vùng England và Scotland của Vương Quốc Anh ngày 23/2 cho thấy vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả ngay từ mũi đầu tiên trong việc chặn chuỗi lây lan và giảm số bệnh nhân nhập viện điều trị. Dữ liệu nghiên cứu của Cơ quan y tế Anh cho thấy vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất giảm nguy cơ lây nhiễm tới hơn 70% ngay từ mũi đầu tiên và tới 85% sau khi tiêm mũi thứ 2. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá những số liệu báo cáo trên khi cho thấy hiệu quả của vaccine và đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả cao trong phòng chống dịch COVID-19.

Cũng trong ngày 23/2, một Ủy ban chuyên gia của Hàn Quốc cho biết vaccine do Prizer/BioNtech có hiệu quả hơn 95% trong việc phòng bệnh COVID-19 và việc sử dụng vaccine này cho người trẻ tuổi không tạo ra vấn đề nào./.

 

 

Hoài Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực