EU dự thảo chiến lược thúc đẩy quan hệ đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thứ tư, 15/09/2021 23:37
(ĐCSVN) - Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/9 tuyên bố sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác kỹ thuật số mới với Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, cũng như tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ hơn với Đài Loan (Trung Quốc) trong nỗ lực xây dựng ảnh hưởng của EU tại châu Á.
EU mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
(Ảnh: Reuters)

Theo dự thảo tài liệu chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Nikkei Asia công bố, EU sẽ tìm cách củng cố chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn có giá trị với các đối tác châu Á trong bối cảnh mối lo đại dịch gây ra nhiều "lỗ hổng" trong chuỗi cung ứng công nghiệp đang ngày một gia tăng.

Dự thảo chiến lược tập trung vào nỗ lực xây dựng một sân chơi bình đẳng toàn cầu dựa trên các quy tắc thương mại minh bạch đang bị ảnh hưởng bởi các hành vi thương mại không công bằng cũng như các áp lực kinh tế.

EU cũng mong muốn tổ chức đàm phán với các đối tác kỹ thuật số như Tokyo, Seoul và Singapore để giải quyết sự phụ thuộc của EU vào nguồn cung cấp chất bán dẫn. Việc này sẽ làm tăng cường hợp tác và khả năng tương tác của các tiêu chuẩn cho các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, những thỏa thuận trên sẽ cho phép hợp tác sâu rộng hơn về quản trị dữ liệu, các luồng thông tin đáng tin cậy và đổi mới dựa trên dữ liệu, giúp bổ sung cho các cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, EU cũng cam kết theo đuổi các mối quan hệ thương mại và đầu tư với các đối tác mà khối không có thỏa thuận như Đài Loan (Trung Quốc). EU cũng muốn tổ chức các cuộc đàm phán với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để giải quyết tình trạng phụ thuộc của khối này vào nguồn cung chất bán dẫn nhập khẩu. EU hiện đặt mục tiêu sẽ sản xuất 1/5 chất bán dẫn trên phạm vi toàn cầu vào năm 2030.

Dự thảo chiến lược của EU cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với Nhóm "Bộ tứ" (QUAD) (gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) - về các chủ đề cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, công nghệ hoặc vaccine. Hiện “Bộ tứ” QUAD cũng muốn cam kết "xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của nhóm “Bộ tứ” tại Nhà Trắng vào tuần tới. Hội nghị sẽ nhấn mạnh đến ưu tiên tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm tăng cường mô hình đa phương mới đối phó với các thách thức trong thế kỷ 21.

Về quân sự, EU cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung và ghé thăm cảng các nước đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để bảo vệ tự do hàng hải và chống cướp biển.

EU cũng sẽ cân nhắc, xem xét chỉ định các khu vực thuộc "khu vực biển quan tâm" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, phục vụ cho việc điều tàu và máy bay của các quốc gia thành viên tham gia vào các vùng biển này trong tương lai.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới, khiến không chỉ Mỹ mà ngay cả EU cũng cần đưa ra cách tiếp cận mới cho mình.

Nhiều nước lớn trong EU đã thể hiện sự quan tâm tới khu vực này khi Pháp, Đức và Hà Lan là những nước tiên phong trong nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.

H.Hà (Theo Nikkei Asia, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực