EU thảo luận về vấn đề thuế toàn cầu

Thứ sáu, 18/06/2021 16:49
(ĐCSVN)- Ngày 17/6, các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Luxembourg để tìm tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu trong bối cảnh các quốc gia đánh thuế thấp chưa hoàn toàn nhất trí với đề xuất này.
 Các Bộ trưởng Tài chính EU họp để tìm tiếng nói chung về vấn đề thuế toàn cầu.
(Ảnh: Getty Images)

Các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ họp tại Venice (Italy) vào tháng 7 với hi vọng tìm kiếm sự thống nhất về quy định đánh thuế mới trên phạm vi toàn cầu, trong đó bao gồm một quy định về mức thuế tối thiểu dành cho những công ty lớn nhất thế giới.

Đề xuất này hiện đang gây ra những cuộc tranh cãi ở một số quốc gia EU như Ireland, Luxembourg, Ba Lan và Hungary vốn dựa vào việc đánh thuế thấp nhằm thu hút các công ty đa quốc gia.

"Hiện vẫn còn các quốc gia cần phải thuyết phục, nhưng cách tốt nhất là cần thảo luận với họ", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết khi tham dự cuộc họp với những người đồng cấp EU.

Ông Le Maire cho biết sẽ thảo luận riêng với Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe và đến Ba Lan vào Chủ nhật này để thuyết phục người đồng cấp nước này. Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết, ông cũng sẽ tổ chức cuộc gặp với các quan chức từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nga trong tuần tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết, quốc gia này hiểu rằng tình hình đang thay đổi và mong muốn là một phần trong sự thay đổi đó. Tuy nhiên, ông cho rằng Ireland thiếu “lợi thế về quy mô và vị trí” so với các thành viên lớn hơn của EU và hệ thống thuế quan có thể là một thế mạnh cạnh tranh.

Ireland hiện đang thu hút các “ông lớn” công nghệ như Facebook, Google và Apple với việc áp dụng mức thuế doanh nghiệp ưu đãi ở mức 12,5%, thấp hơn so với đề xuất về việc áp thuế doanh nghiệp toàn cầu ở mức tối thiểu hiện nay là 15%.

Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chinh Ireland Paschal Donohoe ước tính, nếu như việc áp thuế mới được triển khai, Ireland sẽ mất 20% nguồn thu thuế doanh nghiệp.

Nếu được G20 ủng hộ, đề xuất trên sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận trong nhóm 139 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) để được thông qua.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết “chúng tôi đã nỗ lực nhiều năm qua để đạt được đồng thuận và hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực để giúp thỏa thuận này sẽ được thực thi”.

Trước đó, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh đã thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị, G7 cho biết: "Với thỏa thuận này, chúng tôi đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ XIX, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua".

Tuyên bố nhấn mạnh sự hợp tác này sẽ "tạo ra một sân chơi vững chắc hơn", giúp tăng thu thuế để hỗ trợ đầu tư và chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các "đại gia" công nghệ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng"./.

Hoài Hà (Theo AFP, Reuters)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực