G20 nhất trí thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu

Thứ hai, 12/07/2021 14:47
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị trực tuyến vừa kết thúc sau 2 ngày họp tại Venise, Italy, các Bộ trưởng Tài chính thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí thông qua thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, một vài điều khoản của thỏa thuận vẫn cần được giải quyết trước hạn chót vào tháng 10/2021 khi các nhà lãnh đạo G20 hội đàm tại thành phố Rome.
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 đã nhất trí thông qua thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu. (Ảnh: AFP)

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã ủng hộ một động thái mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn các công ty đa quốc gia trốn thuế. Đây được xem là sáng kiến chính sách mới lớn nhất được nhất trí tại Hội nghị, khép lại 8 năm tranh cãi về vấn đề thuế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số quốc gia tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận thuế toàn cầu, đặc biệt là Ireland và Hungary, hai quốc gia từ lâu đã duy trì mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp. Cụ thể, Ireland hiện chỉ áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% và Hungary là 9%.

Khẳng định áp thuế là một vấn đề mang tính chủ quyền, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới đây mô tả đề xuất áp thuế toàn cầu tối thiểu là "vô lý". Mức thuế doanh nghiệp thấp 9% đã giúp Hungary thu hút các nhà sản xuất lớn của châu Âu.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, các nước G20 đã lên kế hoạch gặp gỡ Ireland, Hungary và Estonia vào tuần này để tháo gỡ những "hoài nghi" nhằm bảo đảm đề xuất thuế nhận được sự ủng hộ của mọi quốc gia châu Âu.

Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 nêu rõ: “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia nhanh chóng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và hoàn thiện các điều khoản trong khuôn khổ thỏa thuận đã được thống nhất trước khi Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 diễn ra vào tháng 10 tới đây”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 cho thấy thế giới đã sẵn sàng kết thúc cuộc đua toàn cầu về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu và “bây giờ nên nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận này”.

Thỏa thuận này sẽ đặt ra một mức thuế công ty tối thiểu toàn cầu ít nhất 15% nhằm ngăn cản các công ty đa quốc gia tìm cách chuyển lợi nhuận đến nơi đánh thuế thấp. Văn kiện này cũng sẽ thay đổi cách đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia có lợi nhuận cao như Amazon và Google, theo đó căn cứ một phần vào nơi các công ty này bán sản phẩm và dịch vụ thay vì căn cứ vào nơi công ty đặt trụ sở.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng kêu gọi một số ít nước vẫn đang phản đối, như Ireland và Hungary, sẽ được khuyến khích ký kết thỏa thuận trước tháng 10 tới.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz tiết lộ một thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu sẽ sớm được hoàn tất với kỳ vọng chính thức có hiệu lực từ năm 2023.

Ngày 1/7 vừa qua, 130 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nhất trí về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

“Thỏa thuận của 130 quốc gia trên thế giới đại diện cho một khu vực chiếm hơn 90% GDP toàn cầu là dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc đua thuế xuống đáy sắp đến hồi kết thúc”, bà Janet Yellen nói.

Theo OECD, việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 150 tỷ USD mỗi năm.

Ông Olaf Scholz coi đây là một thỏa thuận “lịch sử” sẽ giúp chấm dứt cuộc cạnh tranh tài chính giữa các nước. Theo ông Scholz, thỏa thuận này là tin xấu với các “thiên đường thuế” trên thế giới. Trong tương lai, các tập đoàn lớn sẽ phải chia sẻ nguồn tài chính một cách công bằng hơn vì lợi ích chung.

Trước đó, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Anh cũng đã thông qua đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden về áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua xuống đáy trong việc đánh thuế doanh nghiệp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng".

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng, một mức thuế tối thiểu toàn cầu sẽ đảm bảo kinh tế thế giới phát triển dựa trên một sân chơi công bằng hơn. Bà lập luận rằng, thuế suất tối thiểu cho doanh nghiệp toàn cầu sẽ giúp giải quyết tình trạng các công ty chuyển trụ sở sang các quốc gia khác nhằm giảm gánh nặng thuế. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, đây là một “cam kết quan trọng và chưa từng có”.

Đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu thể hiện một bước đi mới hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng cho tầng lớp trung lưu. Thông qua chiến lược này, ông Biden tham vọng rằng quá trình toàn cầu hóa và hoạt động thương mại mang lại lợi ích cho những người lao động Mỹ đang làm việc chứ không chỉ cho các tỷ phú hay các tập đoàn đa quốc gia./.

Hoài Hà (Theo Reuters, euronews.com)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực