Hội đàm thượng đỉnh Nga – Mỹ: Kỳ vọng thận trọng

Thứ tư, 08/12/2021 00:00
(ĐCSVN) – Dự kiến trong ngày hôm nay (7/12), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng nhiệm Mỹ J.Biden sẽ điện đàm về một loạt vấn đề quan trọng, từ tình hình Ukraine, Afghanistan, kế hoạch hướng Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho tới các vấn đề về ổn định chiến lược và chương trình nghị sự mà đôi bên cùng quan tâm.

Trong những năm gần đây, quan hệ Nga - Mỹ đã “không cơm lành canh ngọt” do một loạt tranh cãi liên quan tới việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hay dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”… Bất chấp những bất đồng dai dẳng, lãnh đạo hai nước vẫn bày tỏ thiện chí hợp tác để ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Tuy nhiên, chỉ thiện chí riêng thôi chưa đủ. Khoảng cách lập trường chưa thể xích lại gần nhau giữa Nga và Mỹ khiến cho dư luận không kỳ vọng cuộc thảo luận diễn ra theo hình thức “gián tiếp” giữa hai nhà lãnh đạo có thể mang lại kết quả đột phá.

Cuộc nói chuyện từ đường dây được bảo đảm an toàn ở Sochi

Tổng thống Mỹ J.Biden (trái) và Tổng thống Nga V.Putin trong một cuộc gặp gỡ. (Ảnh: TASS) 

Báo chí Nga đưa tin, ông Putin sẽ liên hệ với người đồng nhiệm Mỹ từ dinh thự ở Sochi. Đây cũng là nơi mà nhà lãnh đạo Nga đang lưu lại sau khi kết thúc chuyến thăm New Delhi (Ấn Độ).

Cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến, với các điều kiện bảo đảm an toàn cho các nguyên thủ. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, đường dây liên lạc này đã được thiết lập từ các thời Tổng thống trước đây của Mỹ, song cho tới nay, vẫn còn là một biểu tượng mang tính “sáng tạo” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, đường dây liên lạc đã bị ngừng sử dụng cho tới thời điểm hiện và trải qua công đoạn bảo trì kỹ thuật. Cuộc điện đàm dự kiến diễn ra ngày 7/12 giữa ông Putin và ông J.Biden sẽ đánh dấu lần đầu tiên đường dây liên lạc này được sử dụng trở lại sau một thời gian ngừng hoạt động.

Người phát ngôn trên cho biết, cuộc điện đàm trực tuyến lần này giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ về nguyên tắc sẽ không khác so với một cuộc điện đàm hay gặp gỡ trực tiếp. Hệ thống liên lạc đặc biệt giúp họ có thể yên tâm thảo luận ngay cả những chủ đề kín đáo nhất. Trước đó, Cố vấn Tổng thống Nga Yury Ushakov cũng có nhận xét tương tự.

Cuộc điện đàm dự kiến diễn ra ngày 7/12 sẽ đánh dấu cuộc trao đổi quan điểm lần thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ kể từ sau khi ông J.Biden nhậm chức Tổng thống vào tháng 1/2021. Trong năm nay, ông J.Biden và ông Putin đã từng 3 lần điện đàm và gặp gỡ trực tiếp ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6/2021. Cuộc gặp gỡ ở Geneva kéo dài 2 giờ đồng hồ và được hai bên đánh giá là mang tính xây dựng. Sự kiện này cũng là cuộc gặp gỡ thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ kể từ năm 2018.

Cơ hội hiện thực các thỏa thuận đạt được từ trước?

Theo đánh giá của Cố vấn Tổng thống Nga Yuri Ushakov, cuộc điện đàm trực tuyến sắp diễn ra giữa hai Tổng thống Nga và Mỹ là cuộc tiếp xúc quan trọng, tiếp nối sau các cuộc đàm phán ở Geneva. Nhân cơ hội này, hai nguyên thủ sẽ đề cập tới các vấn đề xoay quanh việc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được từ trước đó.

Trong tuyên bố chung sau hội đàm Geneva hồi tháng 6/2021, hai Tổng thống đã nhấn mạnh ý định khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện về ổn định chiến lược. Ngoài ra, Moscow và Washington cũng đã đồng ý khởi động tham vấn về an ninh mạng, trao đổi tù nhân và kiểm soát vũ khí.

Trên tinh thần đó, tại cuộc điện đàm ngày 7/12, ông Putin và ông J.Biden sẽ đề cập tới các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương và quốc tế, gồm cuộc khủng hoảng Ukriane, tình hình Afghanistan, Iran, Libya và có thể gồm cả tình hình Syria. Bên cạnh đó, hai Tổng thống có thể sẽ thảo luận về tiến triển trong quá trình đối thoại ổn định chiến lược.  Một nội dung quan trọng khác là kế hoạch tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ được hai ông nói tới.

Ngoài ra, ông Ushakov cũng không loại trừ khả năng ông J.Biden và ông Putin sẽ trao đổi quan điểm về diễn biến thị trường dầu mỏ, đại dịch COVID-19 và vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, nhân cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày, ông J.Biden sẽ thảo luận với ông Putin về các vấn đề quan trọng, gồm: ổn định chiến lược, không gian mạng và chương trình hạt nhân của Iran.  Trước cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Mỹ được cho là đã điện đàm với các đồng minh châu Âu để nhất trí về phương thức hành động chung trong quan hệ với Moscow.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và sẽ gọi lại cho Tổng thống Ukriane để thông báo về kết quả cuộc điện đàm giữa hai nhà lành đạo Nga-Mỹ.

Kế hoạch hướng Đông của NATO

Một chủ đề quan trọng khác dự kiến sẽ được ông J.Biden và ông Putin nhắc tới trong cuộc điện đàm sắp diễn ra là các vấn đề liên quan tới NATO, gồm cả các thỏa thuận pháp lý trong đó không loại trừ NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông và triển khai các hệ thống vũ khí có nguy cơ đe dọa tới Nga tại các nước láng giềng của Nga, trong đó có Ukraine.

“Tôi tin rằng Tổng thống Nga sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc điện đàm với Tổng thống J.Biden” – ông Ushakov nói.

Cũng theo quan chức trên, những bảo đảm giữa hai cường quốc đang trở nên quan trọng cấp thiết và dựa trên tinh hình căng thẳng hiện nay thì mọi bảo đảm phải được thể hiện bằng văn bản. Ông Ushakov cho rằng, trước đây, Liên bang Xô viết và Liên bang Nga đã nhận được những cam kết rằng, cấu trúc quân sự của NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. “Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, những lời hứa suông chẳng mang lại giá trị gì” – ông Ushakov nói.

Phát biểu trước báo giới trước thềm diễn ra cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông J.Biden đã khước từ đề nghị của phía Nga nhằm đưa ra lời bảo đảm về an ninh xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng cũng hy vọng sẽ có một cuộc thảo luận lâu dài với ông Putin về tình hình biên giới Nga – Ukraine. Ông J.Biden cho biết thêm, Mỹ đang chuẩn bị đưa ra một loạt sáng kiến xoay quanh quan hệ Nga-Ukraine và cũng đã tiến hành các cuộc tiếp xúc thường xuyên với Kiev cùng các đồng minh châu Âu về tình hình khu vực.

Khẳng định tính cần thiết của các vòng đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Nga và Mỹ

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov . (Ảnh: TASS)

Trước thềm diễn ra cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và Mỹ, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng dư luận không nên đặt kỳ vọng vào những “cảm xúc không thực tế” trong sự kiện này. Theo dự báo của ông Peskov, có khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ cố gắng để truyền tải tới nhau tới những mối lưu tâm từ mỗi người và đưa ra những thông điệp phản hồi.

Theo mô tả của ông Peskov thì các mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đang trong tình trạng "khá đáng tiếc" tại thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden chuẩn bị có cuộc điện đàm vào ngày 7/12. 

Dù khẳng định rất khó để mong đợi vào những kết quả đột phá từ cuộc điện đàm này, song ông Peskov đã chỉ ra tầm quan trọng của những nỗ lực giúp hồi sinh mối quan hệ Nga-Mỹ. Ông Peskov cho biết thêm tại cuộc điện đàm, lãnh đạo hai nước cần thảo luận đánh giá tiến độ thực hiện những điều mà hai bên thống nhất trong cuộc gặp ở Geneva hồi tháng 6, qua đó xác định thêm nhiệm vụ cần làm tiếp theo.

Trong khi đó, phía Washington khẳng định lập trường rằng không gì có thể thay thế được các vòng đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Cũng từ lập trường đó, ông J.Biden luôn hoan nghênh cơ hội tiến hành hội đàm trực tiếp với ông Putin.

Còn theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, nhân cuộc điện đàm sắp tới với Tổng thống Nga, ông J.Biden sẽ tuyên bố cam kết của Washington nhằm vun đắp một mối quan hệ ổn định hơn với Moscow. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ tỏ lập trường quyết đoán trước các hành vi được cho là “khinh suất và khiêu khích” mà Nga có thể thực hiện.

Về phía Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki lại nhìn nhận rằng, cuộc hội đàm sắp tới giữa ông J.Biden và ông Putin không nên được coi là một cơ hội để Mỹ phát đi những thông điệp mang tính “đe dọa” tới Nga. Trái lại, Washington luôn tìm cách ổn định và không tìm kiếm leo thang trong quan hệ với Moscow./.

Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực