IAEA tiếp tục quan ngại về các hoạt động làm giàu uranium của Iran

Thứ tư, 02/06/2021 17:31
(ĐCSVN) – Ngày 1/6, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo khẳng định, Iran vẫn tiếp tục làm giàu uranium ở mức tinh khiết 60%. Đây là bước đi phá vỡ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc năm 2015 và có nguy cơ khiến những vấn đề xoay quanh một hồ sơ hạt nhân gai góc nhất ở Trung Đông bị “hâm nóng” trở lại.

 Lò phản ứng hạt nhân của Iran ở Arak, phía Nam thủ đô Tehran. Ảnh: AFP.

Cụ thể, báo cáo của cơ quan giám sát hạt nhân Liên hợp quốc cho biết, tính đến ngày 22/5, Iran đã sản xuất 2,4 kg uranium ở mức tinh khiết 60%. Đây là một khoảng cách xa vời so với quy định làm giàu uranium ở mức 3,67% mà bản thỏa thuận hạt nhân 2015 (hay còn gọi là bản Kế hoạch hành động chung toàn diện – JCPOA) đề cập tới, trong khi lại tiến sát độ tinh khiết 90% cần thiết cho một vũ khí hạt nhân. Theo đánh giá của IAEA thì kho dự trữ uranium làm giàu của Iran đã vượt quá giới hạn 16 lần. Bên cạnh đó, IAEA đã bày tỏ lo ngại rằng Iran đã không làm rõ các nghi vấn về hoạt động hạt nhân không khai báo tiềm tàng, đồng thời cho biết cơ quan này đã không được tiếp cận với dữ liệu để giám sát chương trình hạt nhân của Iran từ tháng 2/2021.

Đáng chú ý, tháng 2/2021 cũng là thời điểm Iran bắt đầu áp dụng các biện pháp giới hạn tiếp cận của các thanh sát viên quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân của nước này. Về phía Iran khẳng định đây là hành động phản ứng trước việc Mỹ đã từ chối gỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo.

Ngoài các thông tin nêu trên, IAEA đã tỏ rõ quan ngại trước những thông tin liên quan với việc Iran đã không giải thích được dấu vết một chất hạt nhân được tìm thấy tại nhiều cơ sở của nước này. Theo IAEA, kết quả thanh sát cho thấy "một dấu hiệu rõ ràng rằng vật liệu hạt nhân và/hoặc thiết bị bị ô nhiễm vật liệu hạt nhân đã hiện diện" tại 3 cơ sở không được công bố, với hầu hết các hoạt động nghi vấn có từ đầu những năm 2000.

Ngày 25/5, Mỹ và Iran đã nối lại đối thoại gián tiếp tại Vienna (Áo) để cứu vãn bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Liên minh châu Âu (EU) và các bên khác đóng vai trò trung gian cho cuộc đối thoại lần thứ 5 giữa Mỹ và Iran – vốn đã diễn ra vài lần kể từ tháng trước. Động thái này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Iran và IAEA đồng ý gia hạn thỏa thuận giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran đến ngày 24/6. Tuy nhiên, cho đến nay, các nỗ lực đàm phán vẫn chưa thể mang lại kết quả như mong đợi do những bất đồng chưa thể thu hẹp.

Phát biểu trước phóng viên từ thủ đô Vienna, ngày 1/6, Trưởng đoàn đàm phán Iran Abbas Araqchi nhận định, dù tất cả các bên liên quan đã cố gắng hết sức để đạt được thỏa thuận, song ông không chắc đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng. Ông Araqchi cho biết, đoàn đàm phán các nước đang có mặt tại Vienna có thể sẽ phải quay trở về nước thêm một lần nữa để tham vấn với chính phủ. Theo đánh giá của ông Araqchi thì vòng đàm phán đang diễn ra hết sức phức tạp. Các bên đang ở thời điểm đàm phán về những bất đồng then chốt… Rất nhiều văn bản đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhưng các điểm mấu chốt vẫn đang được thảo luận.

Dự kiến, vào ngày 7/6 tới, hội đồng điều hành của IAEA sẽ triệu tập một phiên họp để thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có báo cáo về vi phạm cam kết hạt nhân của Iran./.

T.Lan (Theo PressTV, NHK)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực