OPEC: Cần bảo đảm dòng chảy năng lượng không bị cản trở

Thứ năm, 31/03/2022 16:05
(ĐCSVN) – Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo ngày 30/3 kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "bảo đảm dòng năng lượng không bị cản trở, ổn định và an toàn" đến các thị trường.
 Ảnh minh họa: Vietnam+

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp OPEC+, nơi quy tụ OPEC và hàng chục quốc gia khác, Tổng thư ký Mohammad Barkindo hoan nghênh những nỗ lực của các nước sản xuất để hỗ trợ ổn định thị trường, đồng thời yêu cầu họ luôn cảnh giác với các điều kiện luôn thay đổi và bảo đảm sự cân bằng. "Chúng tôi không kiểm soát được các sự kiện địa chính trị. Những sự kiện địa chính trị này đã vượt khỏi tầm kiểm soát và tác động mạnh đến thị trường. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là giữ nguyên quyết định của mình và hy vọng rằng các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ vượt qua thách thức lịch sử đang đe dọa, không chỉ là cuộc chiến tại Ukraine mà còn cả vì nền hòa bình trên toàn cầu" – ông nhấn mạnh.

Ông Barkindo cũng đồng thời khẳng định sứ mệnh duy nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) là ổn định các thị trường và tạo ra nguồn cung dầu mỏ càng nhiều càng tốt.

Cuộc họp của Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp này được tổ chức trước cuộc họp cấp Bộ trưởng của OPEC+. Dự kiến, các Bộ trưởng Năng lượng của OPEC+ có cuộc gặp trực tuyến vào hôm nay (31/3) để quyết định các bước đi tiếp theo trong chính sách sản lượng. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh OPEC+ đang chịu áp lực mới về tăng nguồn cung dầu mỏ sau khi các Bộ trưởng Năng lượng của nhóm các nước G7 cho rằng OPEC "có vai trò quan trọng" trong việc xoa dịu căng thẳng thị trường dầu mỏ.

Trước đó, vào tháng 7/2021, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng để bù đắp cho mức giảm được quyết định trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Các tập đoàn dầu mỏ kể từ đó đã bám vào mục tiêu này bất chấp lời kêu gọi từ các quốc gia tiêu thụ lớn, như Mỹ, tăng khối lượng để kiểm soát giá tăng cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và phục hồi kinh tế toàn cầu./.

Khánh Linh (Theo Reuters, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực