Phong trào Hamas cáo buộc Israel gây áp lực lên tiến trình đàm phán

Thứ năm, 11/07/2024 11:22
(ĐCSVN) – Ngày 10/7, chỉ huy hàng đầu của phong trào Hamas – ông Husam Badran cáo buộc Israel đang tìm cách gây áp lực trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin, đồng thời đánh lạc hướng dư luận khỏi thực tế này bằng việc tăng cường các hoạt động ném bom, di tản ở Gaza.

Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng “hỗn loạn nguy hiểm” ở Gaza

Những ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc tấn công của quân đội Israel ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 10/7/2024. (Ảnh: Reuters)

Truyền thông nước ngoài dẫn lời ông Badran cho biết, phong trào Hamas mong muốn đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh và vẫn tiếp tục duy trì liên lạc với các nhà hòa giải. Ngoài ra, Hamas cũng đã trao đổi một số ý tưởng với các nhà hòa giải nhằm chấm dứt chiến tranh và đạt được đồng thuận về việc rút toàn bộ lực lượng Israel khỏi Dải Gaza.

Ông Badran cảnh báo, việc Israel tăng cường các hoạt động quân sự ở Gaza sẽ khiến Hamas có lập trường cứng rắn trong các nỗ lực đàm phán hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn, trong khi những nỗ lực gây sức ép của Israel lên các nhà lãnh đạo Hamas cùng với việc Israel liên tiếp đưa ra những lời đe dọa sẽ chỉ là vô ích. “Chúng tôi là bên mong muốn chấm dứt chiến tranh nhất và chúng tôi quan tâm nhất đến việc đáp ứng những yêu cầu cơ bản của người dân…” – ông Badran nói. Bên cạnh đó, quan chức Hamas cũng cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ J.Biden và các chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ đã theo đuổi lập trường “thiên vị hoàn toàn” đối với Israel.

Ngày 10/7, các đại diện Israel, Ai Cập, Mỹ và Qatar đã gặp gỡ ở Doha (Qatar) để nối lại các vòng đàm phán hòa bình ở Gaza. Tiến trình đàm phán lần này cũng được thúc đẩy bởi động lực mới khi phong trào Hamas và Israel bắt đầu thể hiện sự linh hoạt sau nhiều tháng bế tắc. Tuần trước, lực lượng Hamas đã giảm bớt các điều kiện, trong đó có việc từ bỏ yêu cầu Israel đưa ra cam kết bằng văn bản về lệnh ngừng bắn vĩnh viễn khi giai đoạn đầu của thỏa thuận kết thúc. Về phía Israel cũng đã đồng ý có điều kiện với đề xuất mới của Hamas, đồng thời khẳng định quan điểm cuối cùng rằng Hamas phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian biểu và các chi tiết liên quan đến việc trả tự do cho các con tin.

Tuy nhiên, dư luận vẫn thận trọng về kết quả đàm phán do vẫn còn tồn tại những khác biệt chưa được xóa bỏ giữa Israel và Hamas liên quan tới vấn đề quản lý và an ninh ở Gaza thời hậu xung đột cùng với việc Israel từ chối rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.

Ngày 9/7, tờ Thời báo New York dẫn một nguồn tin cho biết, Qatar đã thông báo cho Hamas về những sửa đổi mới đối với đề xuất của Mỹ về thỏa thuận trao đổi con tin. Trong khi đó, kênh tin tức Kan của Israel lại đưa tin rằng Hamas đã bổ sung một điều kiện mới vào cuộc đàm phán, đó là quân đội Israel phải rút khỏi trục Philadelphia dọc biên giới Ai Cập với Dải Gaza.

Người dân Palestine đang kiểm tra tổn thất sau khi lực lượng Israel rút khỏi khu phố Shujayea ở phía Đông thành phố Gaza, ngày 10/7/2024. (Ảnh: Reuters)

Theo số liệu thống kê mới nhất, chiến sự bùng phát ở Dải Gaza từ tháng 10 năm ngoái tới nay đã khiến 38.000 người Palestine thiệt mạng, với gần 90.000 người bị thương. Ước tính khoảng 10.000 người mất tích và những người này được cho là đã chết hoặc bị chôn vùi dưới đống đổ nát của ngôi nhà bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Israel.

Ngày 10/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết việc Israel khuyến cáo sơ tán người dân khỏi thành phố Gaza đã làm tăng thêm nỗi thống khổ của các gia đình Palestine, nhất là đối với nhiều gia đình đã được lệnh rời khỏi các khu vực khác của thành phố từ trước đó.

Ở khu Bờ Tây, OCHA đã ghi nhận hơn 1.000 cuộc tấn công của người định cư Israel nhằm vào người Palestine kể từ khi chiến sự ở Gaza bùng phát vào tháng 10 năm ngoái. Các cuộc tấn công đã gây nhiều thương vong và thiệt hại về tài sản. Theo số liệu thống kê, đã có gần 1.400 người, trong đó có 660 trẻ em đã phải di dời trong cùng thời gian này do bạo lực và cũng như việc hạn chế các biện pháp tiếp cận.

Cũng theo OCHA, các hoạt động quân sự của lực lượng Israel ở Bờ Tây trong các ngày từ 2 - 8/7 đã khiến 14 người Palestine thiệt mạng, phần lớn tại các thành phố Jenin và Tulkarm cũng như các trại tị nạn lân cận./.

T.Lan (Theo middleeastmonitor, Xinhua)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực