Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng trong tháng 10

Thứ tư, 07/12/2022 15:46
(ĐCSVN) - Ngày 6/12, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10 tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu giảm và đồng USD tăng giá ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu.
Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 10 tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu giảm và đồng USD tăng giá ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu. (Ảnh: CNN)

Theo số liệu của Bộ trên, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 10 đã tăng 5,4% so với tháng 9 lên 78,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giảm 1,9 tỷ USD so với tháng 9, xuống còn 256,6 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 2,2 tỷ USD lên mức 334,8 tỷ USD.

Theo báo cáo, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc được thu hẹp đáng kể, giảm 22,6% so với tháng 9, xuống còn 28,9 tỷ USD. Mặc dù phần lớn sự thu hẹp là do xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc tăng 31,3% so với tháng 9, việc Mỹ nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm 9,5% trong tháng 10 cũng là một yếu tố khiến thâm hụt thương mại giữa hai nước giảm.

Theo dữ liệu được công bố, giá dầu đã giảm mạnh kể từ đầu năm nay. Giá dầu thô nhập khẩu bình quân trong tháng 10 là 82,05 USD/thùng, giảm 5,7% so với tháng 9 và giảm 21,7% so với mức đỉnh hồi tháng 6.

Đồng USD mạnh trong khi nhu cầu toàn cầu suy yếu đã khiến hoạt động xuất khẩu giảm. Đồng USD có thời điểm trong năm nay đã tăng giá hơn 11% so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ kể từ cuối tháng 12/2021 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ qua để kiềm chế lạm phát.

Những tháng gần đây, các doanh nghiệp Mỹ đã gấp rút bổ sung hàng hóa để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, lạm phát tăng vọt đã làm dấy lên lo ngại rằng người dân hạn chế chi tiêu, khiến các công ty trở nên thận trọng hơn trong việc tích trữ hàng hóa.

Trước đó, hồi tháng 11, FED thông báo tăng lãi suất lần thứ 4 liên tiếp ở mức 0,75% nhằm kiềm chế tình hình lạm phát đang cao nhất trong vòng 40 năm qua, đồng thời cũng để ngỏ khả năng giảm mức tăng lãi suất trong những cuộc họp tiếp theo.

Theo đó, FED đã quyết định nâng biên độ lãi suất cho vay cơ bản lên khoảng 3,75% đến 4%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1/2008.

Như vậy, kể từ tháng 3/2022, FED đã tăng lãi suất tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 0,75% trong các phiên họp chính sách vào tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong nỗ lực giảm chi phí sinh hoạt, FED sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Việc FED tăng lãi suất nhanh chóng đã khiến doanh số bán nhà giảm mạnh và thúc đẩy các doanh nghiệp rút vốn đầu tư, 2 yếu tố chủ chốt có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Mức lãi suất cao hơn của FED cũng làm tăng thêm bất ổn kinh tế ở nước ngoài, và tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nước Mỹ. 

Tuy nhiên, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, ông vẫn nhận thấy con đường dẫn đến một đợt "hạ cánh mềm" và không có đợt suy thoái nghiêm trọng. Song, nền kinh tế Mỹ trong năm nay hầu như không tăng trưởng trong khi mức độ ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao vẫn chưa hoàn toàn phát huy hiệu quả.

Các chuyên gia đang dự đoán về khả năng FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% - 0,75% trong tháng 12 này. Thị trường cũng đang dự báo lãi suất cho vay sẽ đạt gần 5% trước khi FED kết thúc việc tăng lãi suất./.

H.Hà (Theo Reuters, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực