Về kế hoạch bố trí lực lượng Mỹ tại Tây Thái Bình Dương

Thứ năm, 14/01/2010 19:04
(ĐCSVN) - Đầu năm 2010, Quân đội Mỹ lập kế hoạch chiến lược mới đối với bố trí lực lượng quân sự, nhằm răn đe và sẵn sàng can thiệp vào bất kỳ chiến trường nào tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kế hoạch là một phần chiến lược chuyển trọng tâm từ châu Âu sang châu Á của Chính quyền Ô-ba-ma.

Việc bố trí lực lượng tại khu vực này cũng nhằm duy trì bảo đảm an ninh hàng hải, hỗ trợ đối phó thiên tai, củng cố hợp tác với quân đội đồng minh, thúc đẩy các cuộc diễn tập song phương và đa phương với các nước trong khu vực, tiếp tục củng cố một lực lượng quân sự liên hợp đủ mạnh, sẵn sàng đối phó với những hiểm họa có thể xảy ra và điều quan trọng là để phô trương sức mạnh của một cường quốc quân sự số một thế giới.

Để thực hiện kế hoạch trên, ngay trong năm 2010, Quân đội Mỹ sẽ duy trì hiện diện thường xuyên 2-3 biên đội tàu sân bay cùng lực lượng tàu ngầm và các tàu chiến khác tại châu Á -Thái Bình Dương, trong đó, chương trình trọng tâm nhất là kế hoạch điều động một phi đội máy bay - ném bom chiến lược B-52 thuộc Liên đội không quân số 5 từ căn cứ không quân Mai-nốt ở Bắc Đa-cô-ta tại căn cứ không quân An-đéc-xen, đảo Gu-am vào tháng 2.2010. Gu-am là nơi được triển khai số lượng lớn máy bay ném bom của Liên đội ném bom số 5 trong năm 2010. Tuy nhiên, các lực lượng chiến đấu viễn chinh của Liên đội số 5 sẽ luân phiên thay quân trong suốt năm 2010.

Quân đội Mỹ còn có kế hoạch triển khai 15 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 thuộc phi đội tiêm kích số 90 từ căn cứ Ê-men-đót, bang A-lát-xca, Mỹ tới căn cứ An-đéc-xen trong tháng 1.2010. Theo kế hoạch, 15 máy bay F-22 này sẽ hoạt động tại đây trong khoảng 3 tháng nhằm đảm bảo an ninh cho chiến trường Tây Thái Bình Dương do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đảm trách. Trong kế hoạch tiếp theo, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục điều động một phi đội máy bay F-22 -tới căn cứ không quân Ca-đê-na, Ô-ki-na-oa, Nhật Bản trong thời gian tới. Năm 2009, Mỹ đã 2 lần điều các máy bay F-22 tới căn cứ không quân Ca-đê-na để huấn luyện làm quen môi trường tác chiến, đồng thời răn đe các đối thủ trong khu vực này.

Quân đội Mỹ dự định đến năm 2010, sẽ bố trí 600% lực lượng tàu ngầm tiến công tại Thái Bình Dương và 40% tại Đại Tây Dương. Theo Hải quân Mỹ, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ bố trí 60% lực lượng tàu ngầm tiến công. Ở Đại Tây Dương, 40% ở Thái Bình Dương, sau Chiến tranh Lạnh tỷ lệ này được cân bằng 50-50. Năm 2010, Mỹ sẽ có khoảng 31 tàu ngầm tiến công tại Thái Bình Dương, trong đó chủ yếu là các tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Vơ-gi-ni-a. Về chương trình bố trí quân sự tại Nhật Bản, năm 2010, Mỹ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán với Nhật Bản để đạt được thỏa thuận di chuyển căn cứ không quân Phu-ten-ma thuộc Ô-ki-na-oa và rút 8.000 quân thuộc lực lượng Hải quân đánh bộ từ Ô-ki-na-oa về Gu-am như cam kết. Theo nhận định, sự thương lượng giữa Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ đạt được sau khi Nhật Bản tổ chức xong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 4.2010.

Cùng với kế hoạch tái cơ cấu Quân đội Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Gu-am, Mỹ tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự tại đảo Gu-am thành một trung tâm hải quân, hải quân đánh bộ và không quân chính tại Thái Bình Dương, cũng như tăng cường sự hiện diện của các loại máy bay ném bom chiến lược B-1, B-2 và B-52, các loại máy bay chiến thuật thế hệ mới tại khu vực Tây Thái Bình Dương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực