Thứ tư, 05/09/2018 18:59 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Hiện có tới hơn 1/4 số người trưởng thành trên thế giới (tương đương với 1,4 tỷ người) đang tự đẩy mình vào nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: Tim mạch, bệnh đái đường tuýp 2, chứng mất trí và ung thư do không vận động thể chất đủ mức cần thiết.
Vận động thể chất là chìa khóa mang tới sức khỏe cho con người.
(Ảnh: todaysparent.com)
Đây là thông điệp mang tính chất cảnh báo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra dựa trong một công trình nghiên cứu và được công bố trên tạp chí The Lancet Global Heath, ngày 5/9.
Theo kết quả nghiên cứu của WHO, trong năm 2016, có đến 1/3 phụ nữ và 1/4 đàn ông trên thế giới không vận động thể chất ở mức độ được khuyến cáo để duy trì sức khỏe - đó là thực hiện ít nhất 150 phút vận động vừa phải hoặc 75 phút vận động mạnh mỗi tuần. Trong đó, vận động vừa phải gồm những hoạt động như đi bộ nhanh, bơi lội hoặc đạp xe nhẹ nhàng còn vận động mạnh gồm các hoạt động như chạy hoặc chơi thể thao nhóm.
Cũng theo kết quả nghiên cứu do WHO vừa đưa ra thì từ năm 2001 tới nay, chưa từng diễn ra một sự cải thiện nào về các hoạt động thể chất trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, tình trạng thiếu vận động thể chất ở mức cao nhất trong nhóm người trưởng thành được ghi nhận vào năm 2016 diễn ra ở Kuwait, Ả rập Xê út… - những nước có tới hơn 50% số người trưởng thành không vận động thể chất đủ để bảo vệ sức khỏe. Tình trạng này ở một số nước khác gồm Mỹ, Anh và Trung Quốc đã được cải thiện hơn song vẫn dừng ở mức khiêm tốn khi lần lượt có tới 40%, 36% và 14% số người trưởng thành vận động thể chất quá ít để duy trì sức khỏe lành mạnh.
Nghiên cứu của WHO chỉ ra rằng, tình trạng thiếu vận động thể chất tại các nước giàu cao gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp hơn. Tính trong giai đoạn 2001-2016, số những người vận động thể chất ít tại các nước giàu đã tăng 5%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân tại các nước giàu hơn thường có xu hướng làm việc trong một môi trường tĩnh, trong khi lại được hưởng thụ các mô hình giải trí và giao thông ít đòi hỏi tới sự vận động. Điều này lại có xu hướng ngược lại tại những nước có thu nhập thấp hơn.
Qua đó WHO kêu gọi chính phủ các nước cần lưu tâm tới những sự khác biệt này và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp khi tham gia giao thông, cũng như tham gia vào những hoạt động thể thao và giải trì đòi hỏi nhiều sự vận động.
Các chuyên gia của WHO cảnh báo, việc không vận động thể chất đủ mức cần thiết là một trong những yếu tố rủi ro hàng đầu dẫn tới tình trạng tử vong sớm, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh không lây nhiễm (NCDs) như tim mạch, ung thư và đái đường. Tăng cường vận động thể chất sẽ mang lại cho con người nhiều lợi ích như làm tăng tỷ lệ cơ bắp, cải thiện sức khỏe tim mạch, hệ xương, kiểm soát cân nặng và làm giảm nguy cơ mắc chứng tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, đái đường, trầm cảm cùng nhiều căn bệnh ung thư khác nhau./.
Thu Lan (Theo Reuters, middleeastmonitor.com)