3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều giải ngân chậm

Thứ hai, 30/10/2023 10:34
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Báo cáo kết quả giám sát chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Điển hình là tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng nay, 30/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). 

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu.

Với CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình giảm nghèo) gồm 7 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước (có 48 tỉnh sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình từ tháng 12/2021 đến năm 2023 là 23.130,261 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,84% tổng nguồn vốn 5 năm, trong đó chủ yếu là nguồn vốn ngân sách trung ương chiếm khoảng 95%. Vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đến 30/6/2023 lũy kế là 34.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%. 

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,52% so với năm 2020, tuy chưa đạt so với mục tiêu Quốc hội giao nhưng trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 30 năm qua thì kết quả giảm nghèo cũng là một nỗ lực được ghi nhận. 

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm
trình bày báo cáo. 

Về CTMTQG xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình nông thôn mới), theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 06/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 83%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 44,5%.

Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 05 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới ). 

Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã; có 2 tiêu chí đã vượt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 (Tiêu chí số 14 về Giáo dục và đào tạo và Tiêu chí số 16 về Văn hóa), 08 tiêu chí đánh giá là gần đạt được mục tiêu.

Với CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình dân tộc thiểu số), Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, KT - XH khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của Chương trình.

Tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán làm lãng phí nguồn lực

Báo cáo kết quả giám sát cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai các Chương trình. Điển hình là tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương cả 3 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp. 

Đến ngày 31/1/2023, vốn năm 2022 giải ngân chỉ đạt 42,49% kế hoạch (vốn đầu tư phát triển đạt 54% kế hoạch, vốn sự nghiệp chỉ đạt 7,82% kế hoạch); giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2023 đến tháng 6/2023 mới đạt 5,33% kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ước đến 31/8/2023 mới đạt 41,9% kế hoạch. Khả năng hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn ngân sách trung ương đến năm 2025 là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình chưa kịp thời. Ở cấp xã, huyện rất lúng túng trong việc thẩm định giá, quy trình thực hiện đấu thầu, phê duyệt thầu, lựa chọn thầu; điều chỉnh danh mục, quy mô, đối tượng thụ hưởng… với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng và liên kết chuỗi giá trị, các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời tổng hợp được kết quả và công khai minh bạch việc trả lời kiến nghị, khó khăn vướng mắc của địa phương.  

Tình trạng cát cứ, manh mún, phân tán, làm cho các cơ chế lồng ghép, phân cấp, phân quyền, cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng và Nhà nước không được phát huy hiệu quả trên thực tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội, các Chương trình chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Từ việc chỉ ra nguyên nhân của các tồn tại, bất cập, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ để triển khai đầy đủ cơ chế, nguyên tắc, nội dung chính sách trong các Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình; rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn. 

Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi; tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng mức vay hỗ trợ giảm nghèo, nhất là vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn nông thôn.../.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực