Cần thiết phải đổi mới hoạt động giám sát

Thứ hai, 28/12/2015 16:11
(ĐCSVN) – Hoạt động giám sát của Quốc hội dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng cũng còn những hạn chế nhất định, đặc biệt là chất lượng giám sát còn thiếu hiệu quả. Điều này đòi hỏi phải đổi mới hoạt động giám sát trên nhiều phương diện.

 

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (Ảnh: Mạnh Hùng)
Giám sát nhiều vấn đề bức xúc

 

Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đang tích cực chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2016). Nhân dịp này, các thế hệ đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học đã trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được, nhìn nhận những thách thức, đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát.

TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội trong bài viết “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” đã nhấn mạnh: hức năng giám sát của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và trong việc khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội. Hiến pháp 1946 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định về quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong các bản Hiến pháp trước, Điều 69 Hiến pháp 2013 quy định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với các hoạt động của Nhà nước”.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và các cơ quan khác của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát thông qua các hình thức: Xem xét báo cáo; kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc trả lời chất vấn và qua các đoàn đi giám sát ở các địa phương.

TS. Bùi Sỹ Lợi đánh giá, thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiếp tục được chú trọng nên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội. Nội dung giám sát tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc của xã hội, được đông đảo cử tri quan tâm.

Cũng bàn về vấn đề này, GS.TS Trần Ngọc Đường – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, 10 năm qua (2005-2015), hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội đã có sự phát triển mạnh về chất. Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, từ chỗ chỉ dựa trên tinh thần và nội dung của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội với những quy định chung, chưa cụ thể, đến chỗ hoạt động giám sát được căn cứ vào một đạo luật với những quy định chi tiết, chặt chẽ từ việc xây dựng chương trình kế hoạch giám sát 6 tháng, hàng năm đến các quy định về chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức và cách thức giám sát... Nhờ đó mà hoạt động giám sát tiến hành thường xuyên, có nề nếp, có trọng tâm, trọng điểm, phản ánh được những vấn đề nóng, bức xúc đang được nhân dân quan tâm như: Hiệu quả đầu tư, quản lý các tập đoàn, các doanh nghiệp nhà nước, chất lượng giáo dục, y tế...

Vẫn theo GS.TS Trần Ngọc Đường, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội được tiến hành trong không khí ngày càng dân chủ, cởi mở và trách nhiệm. “Đại biểu thực hiện quyền chất vấn ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt và có mong muốn đi đến cùng vấn đề mình đặt ra. Người có nghĩa vụ trả lời chất vấn đã có ý thức hơn trong việc nâng cao năng lực và trách nhiệm trước nhân dân và trước đại biểu” – GS.TS Trần Ngọc Đường đánh giá.

Tuy vậy, hoạt động giám sát cũng còn một số hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội, làm cho chất lượng giám sát còn thiếu hiệu quả.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, khái niệm giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của các cơ quan của Quốc hội còn chưa rõ ràng, dẫn đến chưa giới hạn được phạm vi, đối tượng và mục đích giám sát. “Việc không rõ ràng trong vấn đề quy trách nhiệm của các chủ thể được giám sát có một phần nguyên nhân từ việc chưa xác định rõ được mục đích của giám sát” – TS Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận.

TS Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, đối tượng giám sát chưa thực sự phù hợp, quá rộng, nội dung giám sát không rõ nên chưa xác định đối tượng nào, việc nào là trọng tâm cần tập trung trong hoạt động giám sát nên hoạt động này thiếu khả thi.

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, việc xem xét báo cáo công tác của các cơ quan theo quy định của pháp luật còn mang tính hình thức; việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thực hiện được; giám sát chuyên đề đem lại những kết quả nhất định nhưng chưa đi đến cùng; năng lực giám sát so với yêu cầu, nhiệm vụ còn hạn chế, phạm vi đối tượng giám sát quá rộng...

Khắc phục tình trạng giám sát dàn trải

Từ các hạn chế trên, TS. Bùi Sỹ Lợi và GS.TS Trần Ngọc Đường đều cho rằng, cần thiết phải đổi mới hoạt động giám sát trên nhiều phương diện.

TS. Bùi Sỹ Lợi đề xuất, việc đầu tiên cần làm là tiếp tục xây dựng, ban hành và cụ thể hóa các quy định của Quốc hội để xác định rõ ràng, cụ thể, phạm vi, thẩm quyền, đối tượng giám sát của các chủ thể thực hiện quyền này, tránh tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong hoạt động của các cơ quan khi thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật. Quốc hội nên tập trung vào việc giám sát thực hiện các mục tiêu chính sách đã được xác định trong các đạo luật và các nghị quyết của Quốc hội. “Trong quá trình xem xét các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh cần xem xét mục tiêu ban hành văn bản là gì, có phù hợp không? Trong quá trình thảo luận xây dựng luật thì cần phải đánh giá xem chính sách đã được thể hiện hợp lý, logic và nhất quán, bám sát mục tiêu mà Quốc hội muốn không? Luật ban hành rồi thì Quốc hội phải tiếp tục giám sát, đánh giá việc thực thi của các cơ quan hành pháp đã bảo đảm tuân thủ mục tiêu mà Quốc hội đã quyết định hay chưa? – TS Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

TS Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, để các hoạt động giám sát thực sự hiệu quả, có thể thuê các tổ chức đánh giá độc lập để tổ chức giám sát chuyên sâu từng vấn đề, từng nội dung. Tuy nhiên, TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nên thuê theo từng công đoạn, từng hoạt động nhỏ trong việc giám sát một vấn đề chứ không “khoán trắng” cho các tổ chức độc lập, vì như thế sẽ không còn là hoạt động giám sát của Quốc hội...

Còn theo GS.TS Trần Ngọc Đường, để nâng cao chất lượng giám sát, một trong những giải pháp quan trọng là khắc phục tình trạng giám sát dàn trải theo chiều rộng mà thiếu chiều sâu. Điều đó chỉ có thể thực hiện được bằng các hoạt động giám sát theo chuyên đề với các chủ đề giám sát cụ thể, thiết thực. Kinh nghiệm thực tế của nhiều nước chỉ ra rằng, giám sát hoạt động của Chính phủ và các Bộ, trước hết và chủ yếu là giám sát hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước được nghị viện phân bổ, bởi hiệu quả của việc sử dụng ngân sách quốc gia có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động khác của Nhà nước.

Ở khía cạnh khác, GS.TS Trần Ngọc Đường đề nghị, cần nâng cao chất lượng của các kiến nghị giám sát. Ông phân tích, hiệu lực và hiệu quả của giám sát suy cho cùng là đưa ra được các kiến nghị mang lại sự thay đổi tích cực trong thực tế, phù hợp với mục đích giám sát, đáp ứng mong mỏi của nhân dân và dư luận xã hội. Điều đó đòi hỏi các cuộc giám sát tối cao của Quốc hội phải được tiến hành công phu, phải được thực hiện cơ bản và chủ yếu ở các Ủy ban và Hội đồng dân tộc. Khắc phục tình trạng giám sát hình thức với các kiến nghị chung chung, mang tính định hướng thiếu cụ thể, đó còn là đòi hỏi phải nâng cao năng lực giám sát của các chủ thể giám sát, đặc biệt là đại biểu Quốc hội về bản lĩnh, thu thập và xử lý thông tin cũng như ý chí và quyết tâm theo đuổi đến cùng việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực