Đại biểu Quốc hội tranh luận về chuyện tăng lương

Thứ năm, 01/06/2023 14:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Phát biểu tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề.

Sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. 

 Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội). 

Tại phiên họp, phát biểu tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, cải cách hành chính, phân cấp phân quyền, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cán bộ, công chức là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề.

“Nếu tăng lương thì tăng bao nhiêu cho đủ khi năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp trên thế giới. Hơn nữa, ngoài tăng lương, chúng ta cũng có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động”, đại biểu nói.

Phân tích thêm, đại biểu chỉ ra một số giải pháp như cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con cái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới đang áp dụng; chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ. 

Theo đại biểu, giải pháp này hầu hết được các nước áp dụng và chính sách ưu đãi thu hút nhân lực và khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá và lạm phát cao, tăng lương khó có thể gánh vác hết. 

Mặt khác, đại biểu cho rằng chúng ta phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công vì năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân. 

“Chúng ta chưa đưa thiết kế được quy trình làm việc khoa học, các quy định, hướng dẫn, tập huấn chưa đầy đủ; nghị định, thông tư, luật định còn chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn tới công chức không biết đâu mà làm, mạnh dạn làm thì lúc đúng, lúc sai cho nên không hiệu quả, năng suất thấp”, đại biểu nhận định.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp chiều 31/5, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) đề cập đến chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức. Theo đại biểu, tháng 10 tới đây, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị. 

“Chúng ta đều biết, chính sách tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng, một chính sách tiền lương đúng đắn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội”, đại biểu nói.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 27, theo đó, hàng năm cần dành 50% tăng thu dự toán, 70%, tăng thu ngân sách thực hiện của ngân sách địa phương và 40%, tăng thu ngân sách trung ương để cho cải cách tiền lương.

Thứ hai, cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu. Theo đó, khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách quy định rất rõ, đó là ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét đến các dự án đầu tư. Năm 2022 chúng ta tăng thu khá lớn, ngân sách trung ương là 195.000 tỷ, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ, số chuyển nguồn cải cách tiền lương là 269.000 tỷ và trong nguồn lực này thì cần ưu tiên để có nguồn lực tương xứng cho chính sách cải cách tiền lương.

Thứ ba, cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai. “Chỉ khi chúng ta có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước chúng ta không thiếu người tài, không thiếu những người tâm huyết, muốn cống hiến ngay trên đất nước mình, nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động”, đại biểu nói./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực