Nhân “Ngày toàn dân phòng chống mua, bán người” và “Ngày thế giới phòng chống mua, bán người” (30/7, bà Lê Hồng Loan – Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Bà Lê Hồng Loan – Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam. (Ảnh: UNICEF tại Việt Nam) |
Phóng viên (PV): Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực mà Việt Nam đã thực hiện để phòng chống mua, bán người trong thời gian qua?
Bà Lê Hồng Loan: Sau khi phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về chống mua bán người năm 2016 - 2020, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp can thiệp phòng ngừa, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống mua bán người. Các cơ quan liên quan như: Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, công nhân viên, xây dựng kế hoạch và tiến hành các chiến dịch truyền thông về phòng chống mua bán người.
Theo hợp phần “Nâng cao nhận thức về buôn bán người thông qua các phương tiện truyền thông” và “Truyền thông chống buôn bán người tại cộng đồng” trong Kế hoạch quốc gia, các kết quả nổi bật bao gồm: Nhằm thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua, bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua, bán người trên phạm vi toàn quốc; Xây dựng và phổ biến các hướng dẫn theo ngành dọc của hệ thống Ban Tuyên giáo ở cấp tỉnh, thành phố, đưa hoạt động nâng cao nhận thức về buôn bán người vào các kế hoạch hàng tháng thông qua các cuộc họp báo, để phổ biến các chính sách và hướng dẫn của Đảng về vấn đề này; Các cơ quan truyền thông đại chúng đã tiếp tục tăng số lượng bài báo, báo cáo và tài liệu để quảng bá cho “Ngày Quốc gia phòng chống mua, bán người”, “Ngày Quốc tế chống mua, bán người”. Chỉ riêng năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các phương tiện truyền thông phát sóng hơn 700 phim tài liệu và chuyên mục để nâng cao nhận thức cộng đồng về mua, bán người.
Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ di cư và phụ nữ làm nông nghiệp, công nhân xây dựng và cộng đồng xuất khẩu lao động, cũng như nhắm mục tiêu đến các trường học trong các cộng đồng có nguy cơ cao. Chính phủ cũng đã nỗ lực dịch tài liệu sang ngôn ngữ của dân tộc thiểu số để tăng cường nhận thức.
Cùng với đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã xây dựng các kế hoạch và hướng dẫn cho Hội Phụ nữ các cấp về việc thực hiện chiến lược truyền thông thay đổi hành vi nhằm phòng chống mua, bán người; Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và giáo dục pháp lý về chống mua, bán người, tổ chức các chiến dịch truyền thông, trao đổi thông tin và kinh nghiệm với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia trong phòng chống mua, bán người; Tổ chức các cuộc thi kiến thức pháp lý; cuộc thi sáng tạo âm nhạc/kịch/viết; các cuộc thi dành cho các tuyên truyền viên; diễn đàn, hội nghị, bàn tròn, hội thảo... về di cư, kết hôn với người nước ngoài, nhận con nuôi, đăng ký hộ tịch...
Bộ Ngoại giao tổ chức các khóa đào tạo về phòng chống mua, bán người dưới hình thức các khóa đào tạo lãnh sự định kỳ cho các cán bộ trước khi đảm nhiệm chức vụ tại các phái đoàn đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ cũng đã tổ chức hội thảo về di cư quốc tế và phòng, chống mua, bán người để nâng cao năng lực của cán bộ tại Bộ và các địa phương ở Việt Nam.
Việt Nam cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự liên quan tội phạm mua, bán người, đồng thời điều chỉnh theo hướng mở rộng hành vi và tăng mức hình phạt, tiếp cận với pháp luật quốc tế.
Song song với các nỗ lực trên, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã tổng kết giai đoạn 2016-2020 và nghiên cứu, xây dựng Chương trình 130/CP về phòng, chống mua, bán người giai đoạn 2021-2025.
PV: Theo bà, đâu là vấn đề mấu chốt trong việc phòng ngừa và ứng phó với việc mua, bán người?
Bà Lê Hồng Loan: Mặc dù có nhiều nỗ lực phòng ngừa, phần lớn các hoạt động của Việt Nam chủ yếu tập trung vào nâng cao nhận thức xã hội. Trong khi đó, vấn đề mấu chốt trong hoạt động phòng ngừa và ứng phó với việc mua, bán người chính là phải nắm bắt được các nguyên nhân cơ bản và gốc rễ của việc mua, bán người và giải quyết mối liên kết của nạn mua, bán người với các vấn đề xã hội và gia đình. Để chống lại nạn mua bán người một cách hiệu quả, chúng ta cần phải giải quyết được những nguyên nhân gốc rễ, đó chính là những khó khăn mà trẻ em, phụ nữ và nam giới đang phải đối mặt, như nghèo đói, thất nghiệp, bỏ học, thiếu việc làm, gia đình không êm ấm và cả việc thiếu các dịch vụ trợ giúp xã hội có chất lượng. Các vấn đề lớn này không phải lúc nào cũng được giải quyết thỏa đáng trong các chiến lược ứng phó hiện có. Ví dụ, một đứa trẻ đối mặt với nguy cơ bị mua bán, phải lao động hoặc bóc lột tình dục cũng có thể từng chịu bạo hành trong gia đình, mồ côi hoặc có khuyết tật – thêm yếu tố dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, các giải pháp cốt yếu là tiếp tục bổ sung, hoàn thiện tăng cường khung pháp lý và chính sách, tăng cường bảo trợ xã hội, các dịch vụ trợ giúp xã hội ở cộng đồng và tham gia với các cộng đồng để thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội.
Trong nhiều năm qua, UNICEF đã và đang hỗ trợ các bộ, ngành trong các lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện khung luật pháp chính sách, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ các ngành công an, biên phòng, lao động xã hội, phụ nữ, phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân và hợp tác quốc tế
|
Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng cao tại tỉnh Lào Cai. Nguồn hanoimoi.com.vn |
PV: Bên cạnh việc phòng ngừa thì một vấn đề quan trọng khác là hỗ trợ các nạn nhân của mua, bán người. Theo bà, những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua liên quan tới việc hỗ trợ các bạn nhân mua, bán người đã được thực hiện ra sao?
Bà Lê Hồng Loan: Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ và can thiệp hỗ trợ cho các nạn nhân mua, bán người hồi hương. Việt Nam đã thực hiện các biện pháp bảo vệ và can thiệp hỗ trợ theo tiểu cấu phần “Cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân buôn bán người được hồi hương”. Điểm nổi bật trong lĩnh vực này bao gồm: Tổ chức hội nghị, hội thảo rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 9 ban hành ngày 11/01/2013 quy định việc thi hành một số điều của Luật chống mua, bán người có liên quan đến việc hỗ trợ nạn nhân, nhằm đưa ra khuyến nghị và sửa đổi nhằm tăng cường hiệu quả của các hỗ trợ cho nạn nhân; 1.907 nạn nhân mua, bán người được hỗ trợ tái hòa nhập, trong giai đoạn 1/2016-6/2020, theo các quy định của luật pháp, bao gồm các dịch vụ như: hỗ trợ trong quá trình hồi hương, tư vấn, trợ cấp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý và vay lãi suất thấp và cho vay doanh nghiệp nhỏ...
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vận hành đường dây nóng 24 giờ cho nạn nhân mua, bán người. Đường dây đã nhận được khoảng 2.010 cuộc gọi đến đường dây nóng này vào năm 2018 (2.700 cuộc gọi năm 2017) và chuyển gửi 30 trường hợp (2018) tới các dịch vụ của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ (65 trường hợp chuyển gửi trong năm 2017). Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 quốc gia cũng được hỗ trợ để mở rộng mạng lưới đường dây nóng kết nối với các điểm liên lạc tại 63 tỉnh, thành để cung cấp hiệu quả các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cho nạn nhân mua, bán người. Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng Sổ tay về chuyển gửi và hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân mua, bán người và thí điểm triển khai sổ tay ở một số điểm nóng.
PV: Bà có thể chỉ ra một số bất cập trong công tác hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người và đâu là biện pháp khắc phục?
Bà Lê Hồng Loan: Một số bất cập trong công tác hỗ trợ nạn nhân của mua, bán người có thể chỉ ra, ví dụ như: Ở một số địa phương, việc chuyển gửi các nạn nhân đến các dịch vụ hỗ trợ chưa được thực hiện một cách có hệ thống do một số cán bộ không hiểu rõ các loại hình tội phạm mua bán người, thiếu sự hợp tác liên ngành và quy trình thu thập dữ liệu chưa hoàn chỉnh. Ngân sách cho công tác bảo vệ nạn nhân và thực hiện các chương trình chống mua, bán người còn hạn hẹp nên các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân chủ yếu dựa vào các tổ chức xã hội dân sự.
Đội ngũ nhân viên của các trung tâm bảo trợ xã hội, nơi cung cấp dịch vụ cho nạn nhân mua, bán người không đồng đều, nguồn lực hạn chế và thiếu cán bộ xã hội được đào tạo phù hợp để hỗ trợ nạn nhân.
Để hỗ trợ nạn nhân mua, bán người một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các chính sách nhằm xác định và hỗ trợ nạn nhân trong các nhóm dễ bị tổn thương như: Lao động nhập cư, đối tượng hành nghề mại dâm và lao động trẻ em, đồng thời đào tạo các cán bộ có liên quan. Khuyến nghị mở rộng đào tạo cho nhân viên công tác xã hội, những người ở tuyến đầu và các cán bộ ngành tư pháp về cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm, nhạy cảm với trẻ em và nhạy cảm về giới khi làm việc với nạn nhân của mua, bán người; đồng thời, tăng ngân sách cho các tỉnh để cung cấp dịch vụ cho các nạn nhân của mua, bán người tái hòa nhập.
PV: Trân trọng cảm ơn Bà!