Kiến nghị lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm

Thứ năm, 01/06/2023 20:38
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cử tri Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm căn cứ để đánh giá hiệu quả của các bộ, ngành trung ương hàng năm và căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.

Đề nghị trên của cử tri được đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn Bình Dương phản ánh tại phiên họp Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/6.

Sửa đổi thể chế pháp luật phải ưu tiên cho kiến tạo, phát triển

 Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)

Đề cập đến việc chậm sửa đổi, hoàn thiện thể chế đã được nêu tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nhấn mạnh “điều này làm cho luật không đi vào thực tế, gây cản trở sự phát triển của đất nước”. 

Đại biểu cho biết, cử tri Bình Dương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ lấy kết quả hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm căn cứ để đánh giá hiệu quả của các bộ, ngành trung ương hàng năm và căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6. 

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đột phá do Đảng đề ra nhưng hàng năm vẫn chậm, đại biểu băn khoăn về kỷ luật, kỷ cương trong hoàn thiện thể chế, chính sách chưa nghiêm. Đại biểu cho biết, tại buổi tiếp xúc cử tri với doanh nghiệp và người dân Bình Dương trước kỳ họp thứ 5, cử tri yêu cầu cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước phải kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng việc sửa đổi thể chế pháp luật của Chính phủ và bộ, ngành, theo hướng ưu tiên cho kiến tạo, phát triển hơn là quản lý.

Mặt khác, đại biểu kiến nghị trên cơ sở những lĩnh vực mà cử tri bức xúc nhất trước mỗi kỳ họp, Quốc hội cần nghiên cứu bố trí thảo luận và phân tích sâu theo từng nhóm lĩnh vực, tránh dàn trải. Từ đó, đánh giá có cần thiết phải sửa thể chế hay không, hay cần có giải pháp gì để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trách nhiệm này thuộc về ai. Đồng thời đưa giải pháp vào các danh mục, những công việc cần làm ngay trong nghị quyết của kỳ họp. Trên cơ sở đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công giám sát chặt chẽ việc thực hiện và công khai kết quả cho cử tri được rõ. 

"Việc hoàn thiện thông tư, nghị định càng lâu bao nhiêu thì người dân, doanh nghiệp thiệt hại bấy nhiêu, lãng phí nhiều cơ hội đầu tư và phát triển của đất nước" - đại biểu nhìn nhận. 

Cũng theo đại biểu, với khối lượng thể chế cần hoàn thiện rất lớn, nhưng con người và nguồn lực hiện nay còn hạn chế, cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật lập pháp tiên tiến, hiện đại để phát hiện nhanh các mâu thuẫn, chồng chéo và sửa đổi, bổ sung kịp thời các thể chế, chính sách, nhằm khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Đại biểu kiến nghị Quốc hội quy định rõ chế tài, trách nhiệm pháp lý cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật không thực tế, thiếu khả thi hoặc chậm ban hành, sửa đổi, gây thiệt hại về kinh tế cho người dân, doanh nghiệp. 

“Đây là ý kiến của nhiều cử tri và doanh nghiệp Bình Dương, cử tri cho rằng, có một số trường hợp do quy định pháp luật thay đổi thường xuyên, thiếu tính ổn định, thiếu tính thực tế, thiếu tính khả thi, họ không thể sản xuất kinh doanh được, phải bán doanh nghiệp, phải phá sản. Đại biểu Quốc hội chúng tôi khi tiếp xúc, lắng nghe rất đau xót” - nữ ĐBQH đoàn Bình Dương nêu.

Kiểm soát chặt chẽ hơn tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản dưới luật

Cũng góp ý vào nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến hoàn thiện thể chế đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nhìn nhận, sau gần 40 năm đổi mới chúng ta đã hết sức nỗ lực để có được hệ thống pháp luật như ngày hôm nay với khoảng 230 đạo luật, hơn 1.000 văn bản là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khoảng hơn 7.000 thông tư của Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cấp chính quyền địa phương là khoảng 27.000, các văn bản của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước… điều chỉnh cơ bản toàn diện các lĩnh vực. 

Đại biểu cho rằng trọng tâm trong nhiệm vụ trong thời gian tới về thể chế cần nhấn mạnh hơn việc kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. 

Bởi theo đại biểu, khâu tiền kiểm tức là soạn thảo, thẩm định, thẩm tra để ban hành thì tương đối hoàn thiện, nhưng phần hậu kiểm còn rất nhiều vấn đề. Đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ thì cơ bản mới hậu kiểm được về tính pháp lý. Vai trò đầu mối là Bộ Tư pháp làm tương đối tốt việc này hàng năm, có danh mục chỉ ra những quy định nào là trái, quy định nào là chưa phù hợp để có đề nghị xử lý. Tuy nhiên việc kiểm soát về tính hợp lý hiện đang rất yếu. 

Nhấn mạnh cơ chế để xử lý tính hợp lý là vấn đề rất lớn, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các thể chế hiện tại để đảm bảo chất lượng của các văn bản và đặc biệt quan tâm đến hệ thống kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật đã có. Trong thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu việc giao một cơ quan của Chính phủ kiểm tra trước và xem xét tính pháp lý cũng như tính hợp lý của các thông tư của các Bộ trưởng trước khi ban hành.

Đồng thời cũng cần phải giao một cơ quan đầu mối để kiểm soát tính hợp pháp và kể cả tính hợp lý đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. 

 Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh)

Cũng về vấn đề này, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, đây không phải là vấn đề mới nhưng dường như có phần gia tăng trong thời gian gần đây và nếu không được giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gây thêm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Để khắc phục, đại biểu đề nghị phải nâng cao trách nhiệm nhận thức và kỷ cương, kỷ luật trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung, thông tư nói riêng, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành thông tư. Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nhất là năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ pháp chế tại các bộ, ngành. 

Đại biểu cũng đề nghị tăng cường việc xây dựng các đạo luật cụ thể, hiệu lực trực tiếp, hạn chế ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, nhất là thông tư; chú trọng việc kiểm soát đối với việc trước và sau khi ban hành thông tư.

Về lâu dài, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cho thí điểm cơ chế thẩm định từ bên ngoài đối với thông tư trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức và tổ chức thực hiện, trên cơ sở đó làm đề xuất nội dung này khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với việc kiểm soát sau khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường công tác kiểm tra, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát văn bản thông tư thuộc lĩnh vực phạm vi phụ trách, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nhanh nhạy hơn đối với những thông tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chưa hợp lý và thiếu tính khả thi.

GiảI trình về vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, hiện nay muốn giải quyết được nút thắt chúng ta phải tập trung hoàn thiện pháp luật, dùng một luật để sửa nhiều luật, dùng một nghị định để sửa nhiều nghị định, nhưng phải tổng hợp tất cả những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để hóa giải được những nút thắt./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực