Làm rõ lãng phí từ việc ban hành văn bản chậm

Thứ năm, 01/06/2023 19:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Việc chậm và nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật chính là chướng ngại vật làm cản trở con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân, dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.

Chiều 1/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang), báo cáo của Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công; trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong mua sắm, quản lý, sử dụng trụ sở, nhà đất của các cơ quan nhà nước quản lý; khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và đặc biệt là những lãng phí do đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm kéo dài, thực hiện các thủ tục hành chính do đội ngũ cán bộ, công chức.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TH.

Đại biểu cũng cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Đại biểu nhấn mạnh, việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nguồn: vtvgo.vn 

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) cũng chỉ ra, tình hình công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết vẫn tiếp tục còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần nhưng chưa đạt như mong muốn, dù cả Quốc hội và Chính phủ luôn đặt trọng tâm ưu tiên về công tác hoàn thiện thể chế. Đại biểu nêu rõ, việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng trong thực thi chính sách cho các nhóm đối tượng. Chưa kể đến việc, ở cấp cơ sở phải đối mặt với nhiều bất cập trong thực tiễn, khó trong bố trí nguồn lực để thực thi. Mặc dù khó có thể cân, đong, đo, đếm được những trở ngại, những thiệt thòi của nợ, chậm ban hành văn bản trong thời gian qua, nhưng qua đó có thể cho thấy rằng hệ thống văn bản chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm cản trở con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân, hơn tất cả không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức, trách nhiệm.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương tổ chức rà soát lại các ý kiến, kiến nghị đã được nêu tại các báo cáo giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như kết quả thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành. Tập trung hoàn thiện nhanh các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ chuyển đổi số, cải cách hành chính, quản trị xã hội và tổ chức thực hiện một cách thực chất.

“Cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) đánh giá tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều mức độ khác nhau. Nhất là trong đầu tư công, phân bổ giải ngân, thanh quyết toán vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong quản lý ngân sách, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công. Nhiều thủ tục hành chính còn gây phiền hà, cản trở người dân, doanh nghiệp và ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. 

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Ảnh: TH.

Mặt khác, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia cũng làm giảm hiệu quả của Chương trình. Đây cũng là nguyên nhân lãng phí dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu tiến độ đề ra.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả thực hành thiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn Hưng Yên) nhận định cùng với chống tham nhũng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả khách quan, tiến bộ. 

Tuy nhiên, đại biểu Đào Hồng Vận cho hay, báo cáo mới chủ yếu tập trung tổng hợp, đánh giá công tác tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực công là chính, còn trong lĩnh vực tư có đề cập nhưng còn khiêm tốn, chưa đầy đủ, chưa thấy được thực trạng những khó khăn, hạn chế cũng như đề ra được giải pháp khắc phục.

Đại biểu chỉ rõ, đó là những chậm trễ, hạn chế, vướng mắc về một số chính sách không tốt trong công tác quy hoạch, kế hoạch, trong hoạt động công vụ của bộ máy. Mặc dù các vấn đề này đã được quan tâm khắc phục và có nhiều cải thiện, tuy nhiên, vẫn đang ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp như việc người dân và doanh nghiệp ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận chính sách. 

Bên cạnh đó, đại biểu Đào Hồng Vân cho rằng, còn khó khăn, chậm trễ trong việc triển khai đầu tư dự án, dẫn đến gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí cho xã hội, ít nhiều làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Ở đây chúng ta lo lắng không chỉ lãng phí về vật chất và tiền bạc mà nguy hiểm hơn là lãng phí về niềm tin, như các dự án điện tái tạo và một số các dự án khác mà báo chí và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu trong thời gian vừa qua”, đại biểu chia sẻ./.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực