|
Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì Hội thảo |
Chiều ngày 12/4, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học về Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của trường phái đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các viện nghiên cứu, học giả lâu năm trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao.
Chủ trì Hội thảo, đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh: Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá rằng “chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”. Theo Tổng Bí thư, trường phái đối ngoại, ngoại giao đó đã được xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hơn 90 năm qua, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại.
Đồng chí Lê Hoài Trung nhấn mạnh mục tiêu của Hội thảo nhằm làm sáng tỏ thêm các vấn đề lý luận, thực tiễn về đối ngoại Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử, góp phần làm sâu sắc, đầy đủ hơn nhận thức về trường phái đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam”. Hội thảo cũng nhằm thảo luận để đề xuất, kiến nghị những nội hàm mới, phát triển thêm trường phái này, góp phần phục vụ những yêu cầu mới của đất nước trong giai đoạn mới, giúp triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đi sâu trao đổi về nội hàm và những nét đặc sắc của trường phái đối ngoại, ngoại giao “Cây tre Việt Nam”; cho rằng từ xuất phát điểm “lợi ích quốc gia – dân tộc”, cùng với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, các biện pháp, ứng xử đa dạng, trường phái đối ngoại, ngoại giao Việt Nam ngày càng đạt được những thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thu hút sự quan tâm, ghi nhận của chính giới, các nhà nghiên cứu và truyền thông quốc tế. Các đại biểu đều cho rằng đây là vấn đề lớn, mang tính lý luận và thực tiễn cao, đòi hỏi nghiên cứu, phát triển sâu thêm trong thời gian tới./.