Nhiều doanh nghiệp tách thu nhập để “né” đóng BHXH cho người lao động

Thứ ba, 21/11/2023 16:40
(ĐCSVN) - Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: Loại làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng BHXH.

Đây là một trong những nội dung được BHXH Việt Nam nêu tại công văn số 3841/BHXH-CSXH gửi Bộ LĐ-TB&XH tham gia ý kiến đối với kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).

Tách thu nhập, chỉ đóng BHXH cho NLĐ ở mức tối thiểu

BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo luật cân nhắc thận trọng về đề xuất giảm mức đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Theo đó, với vai trò là thành viên Ban soạn thảo, đồng thời là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam cho biết mức đóng BHXH (tỷ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH) được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong các mối quan hệ: Tương quan, phù hợp với mức hưởng; tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH (giá trị tuyệt đối); tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ BHXH - nguyên tắc chia sẻ chủ yếu đối với các chế độ ngắn hạn.

 Ảnh minh họa (Nguồn: KT)

Theo BHXH Việt Nam, tỷ lệ đóng BHXH chỉ được cân nhắc điều chỉnh tăng có lộ trình trong Luật BHXH 2007. Từ Luật BHXH 2014 đến dự thảo Luật BHXH sửa đổi hiện nay đều không xem xét đến vấn đề này, để đảm bảo tính ổn định, bền vững. Tỷ lệ đóng BHXH ở Việt Nam tương đương một số nước như: Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới. Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, tương ứng với thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam. Như vậy, hiện nay tỷ lệ tích lũy của Việt Nam bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.

Liên quan đến vấn đề này, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho biết: Không tính BHYT thì tổng mức đóng vào quỹ BHXH của Việt Nam là 27,5% tiền lương tháng. Đây là mức tương đồng các quốc gia thiết kế hệ thống BHXH cung cấp các chế độ an sinh tương tự như Việt Nam. Một số nước có mức đóng thấp hơn nhưng đồng thời các chế độ hệ thống cung cấp ít hơn rất nhiều. Nếu không đóng góp vào quỹ, chủ SDLĐ phải chi trả một số chế độ cho NLĐ khi gặp rủi ro. Malaysia với mức đóng 26,7% chỉ thấp hơn Việt Nam 0,8% nhưng chế độ ốm đau, thai sản do người SDLĐ trực tiếp chi trả. Hoặc ở một số nước khi xảy ra TNLĐ-BNN thì người SDLĐ phải chi trả. Tuy nhiên, việc để người SDLĐ chi trả sẽ khó giám sát, đánh giá, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Theo một số tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chế độ này tốt nhất nên được chi trả qua hệ thống đảm bảo sự chia sẻ và minh bạch. Tại Việt Nam, tất cả chế độ an sinh đều được chi trả qua hệ thống BHXH Việt Nam và được Chính phủ, Quốc hội, xã hội giám sát. Do đó ILO cho rằng cần hết sức cẩn trọng khi so sánh mức đóng.

Việt Nam chọn mô hình tính mức hưởng trước nên mức đóng luôn phải đuổi theo nhằm cân đối độ bền của Quỹ Hưu trí tử tuất, các hiệp hội đang so sánh với nhiều nước có mô hình đóng- hưởng BHXH không tương đồng với nước ta (có nước dựa trên tài khoản cá nhân, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu). Tỷ lệ đóng cao và tỷ lệ hưởng cao, nhưng lương hưu thực tế của NLĐ lại thấp. Mức lương hưu bình quân hằng tháng hiện nay chỉ đạt 5,4 triệu đồng do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp.

Thống kê năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của NLĐ chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập: loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng BHXH. “Từ những so sánh nêu trên cho thấy rất khó để đánh giá mức đóng BHXH của Việt Nam là cao hay thấp so với các quốc gia khác. Việc đánh giá tỷ lệ đóng BHXH cần được xem xét gắn với mô hình BHXH tại mỗi nước, mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động”- BHXH Việt Nam khẳng định.

Khuyến khích NLĐ không nghỉ hưu sớm để có mức lương hưu cao

Về đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và mức hưởng các chế độ hưu trí, thai sản, tử tuất theo lương tối thiểu vùng, BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bởi Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã quy định khi tính mức bình quân tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc trợ cấp tuất một lần thì tính theo tiền lương tháng đóng BHXH của từng người và tiền lương tháng đã đóng BHXH này được điều chỉnh theo chỉ số CPI tại thời điểm NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH. Ngoài ra, trong quá trình hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng mức hưởng còn được điều chỉnh theo quy định tại Điều 67 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) (được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với NSNN và quỹ BHXH), quy định này đã thực hiện ổn định nhiều năm nay giúp đảm bảo giá trị mức hưởng đáp ứng cuộc sống của người thụ hưởng trong suốt quá trình hưởng chế độ.

Bên cạnh đó, Luật BHXH hiện hành quy định một số khoản trợ cấp gắn với “mức lương cơ sở” như: mức hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng;... Theo định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27- NQ/TW thì sẽ không còn “mức lương cơ sở”. Vì thế, để vừa không gây xáo trộn “về mức hưởng” so với quy định hiện hành, đồng thời phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, thuận lợi trong quá trình thực hiện, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) xây dựng mức hưởng các loại trợ cấp này theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH là phù hợp.

Đối với đề xuất giảm tỷ lệ giảm trừ do NLĐ nghỉ hưu sớm trước tuổi từ 2%/năm xuống 1%/năm, BHXH Việt Nam cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo hết sức cân nhắc. Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam. Như vậy, tỷ lệ tích lũy (tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng BHXH) của Việt Nam hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ. Vì thế, khi NLĐ nghỉ hưu trước tuổi quy định, thời gian đóng vào Quỹ ít đi do dừng đóng sớm trước tuổi trong khi thời gian hưởng từ quỹ tăng lên (trước khi đến tuổi) thì việc áp dụng tỷ lệ giảm trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu sớm vẫn ít hơn tỷ lệ tích lũy nếu phải đóng thêm một năm. Như vậy, quy định trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi cũng là tạo điều kiện cho người nghỉ hưu bị giảm trừ không nhiều. Việc giảm trừ tỷ lệ 2% này cũng là một trong những quy định để khuyến khích NLĐ tiếp tục làm việc, tạo thu nhập và tham gia BHXH, để mỗi năm đóng tiếp được tăng tỷ lệ tích lũy cao hơn…/.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực