Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam

Thứ ba, 30/03/2021 13:00
(ĐCSVN) - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, tổng số vụ án tăng mạnh, tăng 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng nước ta bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng.

Tiếp tục chương trình phiên họp 11, sáng  30/3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình và đánh giá cao với kết quả các cơ quan tư pháp đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đáng chú ý, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội.

Đặc biệt, các vụ án về tham nhũng, kinh tế được tập trung giải quyết; tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng tăng mạnh, đạt gần 80.000 tỷ đồng…

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định: Các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới, cải cách trên nhiều phương diện, đạt nhiều mục tiêu đề ra cũng như chỉ tiêu Quốc hội giao; đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã đề ra trong nghị quyết 49-NQ/TW.

Theo đại biểu, việc công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng cũng được triển khai mạnh mẽ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của người dân. Những kết quả mà các cơ quan tư pháp làm được đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn đó là trong số vụ án hình sự được xét xử nghiêm minh, không có án oan; nhưng vẫn còn dư âm một số vụ án trong việc áp dụng các nguyên tắc điều tra, truy tố xét xử, các cơ quan tư pháp cần đánh giá đầy đủ hơn. Đối với ngành Tòa án, các vụ án dân sự quá trình giải quyết vẫn còn chậm, kéo dài cần có biện pháp khắc phục...

Trong bối cảnh lượng án tăng hàng năm nhưng biên chế không tăng, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Quốc hội và các cơ quan chức năng cần quan tâm đến biên chế của các cơ quan tư pháp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đại biểu kiến nghị.

 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). ẢNh: QH.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, tổng số vụ án tăng mạnh, tăng 34%, trong đó nhiều vụ án đã đi vào lịch sử nước ta bởi quy mô lớn và tính chất nghiêm trọng.

Có nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Nhiều vụ án số bị cáo tham lên đến hàng trăm người như vụ án Ngân hàng đại dương 51 bị cáo, hay vụ án về đường dây đánh bạc nghìn tỷ lên đến 92 bị cáo.

Hầu hết các vụ án trong nhiệm kỳ đều đưa ra xét xử đúng thời hạn, đúng pháp luật, theo đại biểu.

Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan tư pháp đều đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Điển hình như quy định quyền được đọc hồ sơ vụ án để tự bào chữa trong trong trường hợp không có người bào chữa- một quy định chưa từng có trong lịch sử tố tụng nước ta.

Cùng với đó, việc tranh tụng tại Tòa án thực hiện ngày càng rõ nét, mạnh mẽ hơn; tranh tụng chính là biện pháp để đảm bảo công bằng, công minh và thực hiện theo luật. Thời gian qua, người dân cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tranh tụng của nước ta; là tín đáng mừng của nền tư pháp.

Các cơ quan tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết vụ án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, do đó những vụ án phức tạp đã được đưa ra giải quyết sớm.

“Những thành tựu đã khẳng định nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp”, đại biểu Thủy khẳng định.

Tăng cường giám sát hoạt động tư pháp

Bày tỏ khá ấn tượng với kết quả nhiệm kỳ qua của ngành Tòa án, song đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chỉ ra, người dân vẫn cho rằng còn có những rào cản trong việc thực hiện đổi mới cơ chế thực hiện phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, cần phải tháo gỡ.

"Tính độc lập của Tòa án cũng đòi hỏi việc xét xử của Tòa án phải độc lập với các cơ quan cấp trên. Những thẩm phán phải độc lập với các Hội thẩm nhân dân trong việc đưa ra phán quyết, để tránh tình trạng nể nang, xuôi chiều, mất tính độc lập của Hội đồng Thẩm phán" - đại biểu phân tích.

Để tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng xét xử trong mục tiêu Quốc hội đề ra tới đây, đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phải coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm phán quyết của tòa đúng luật, bảo đảm quyền con người, mang lại công lý, niềm tin cho nhân dân. Thẩm phán nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội khoá XV tăng cường giám sát toàn bộ hoạt động tư pháp, ngay từ khâu ban hành văn bản, giải quyết khiếu nại tố cáo…

Cùng quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, tư tưởng, quan điểm tiến bộ của cải cách tư pháp đã được thể chế hoá những tư tưởng, quan điểm tiến bộ của chiến lược cải cách tư pháp theo nghị quyết của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013, được bổ sung trong các luật về tòa án, viện kiểm sát, hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án... nhưng thực tế vẫn có những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa thay đổi tư duy, thói quen, chưa quán triệt các nguyên tắc suy đoán vô tội và tranh tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ nhận không phải bằng chứng cứ và luận cứ khách quan. Không ít đơn khiếu nại bị chậm trả lời, thậm chí bị quên lãng.

"Niềm tin vào ngành tư pháp là niềm tin hữu cơ vào chế độ và những điều tra viên, kiểm sát viên có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin trong nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng. Muốn vậy họ phải giữ được liêm chính như nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra", đại biểu thẳng thắn nói./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực