Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thứ năm, 21/10/2021 17:28
(ĐCSVN) - Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao chủ trương đúng đắn và các biện pháp toàn diện và kịp thời đã được triển khai trong thời gian qua, giúp đạt được những kết quả quan trọng về kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh được ban hành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng nay (21/10) Quốc hội thảo luận ở tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID – 19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Quốc hội thảo luận tại tổ 

Cùng với đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, các đại biểu đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Quốc hội giao.

Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã thống nhất xây dựng Chiến lược, Kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Nhấn mạnh yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Để làm được như vậy thì điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.

Về gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, theo Chủ tịch Quốc hội, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu đánh giá cao chủ trương đúng đắn và các biện pháp toàn diện và kịp thời đã được triển khai trong thời gian qua, giúp đạt được những kết quả quan trọng, như: Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; kịch bản ứng phó đối với từng mức độdiễn biến của dịch bệnh được ban hành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; nhiều tín hiệu tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể.

Theo các đại biểu, có 3 trọng tâm sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội năm 2022, đó là khôi phục - thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để huy động nguồn lực xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Điều quan trọng là phải quyết liệt xử lý những tồn tại có từ trước, làm hạn chế hiệu quả của 3 trọng tâm này.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh), phân bổ, giải ngân đầu tư công rất chậm, đến hết tháng 9 năm nay mới đạt hơn 47%. Đặc biệt, đến giữa tháng 9, còn tới hơn 56 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ, giao chi tiết để triển khai thực hiện. Tiền có trong ngân sách mà giải ngân chậm khiến đồng vốn đầu tư công hiệu quả. Không những thế, có tiền mà giải ngân chậm còn gây giảm phát, đồng tiền “ra trễ” thì rất khó phục hồi nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề xuất, xem nền kinh tế hiện nay, có chỗ nào xây dựng danh mục đầu tư công để vừa có thể phục hồi kinh tế vừa giải quyết yêu cầu của cuộc sống, ví dụ xây dựng cầu đường, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... Tuy nhiên có những vướng mắc trong đầu tư công, vậy thì có thể áp dụng NQ30 hay không để tăng tốc giải ngân, bỏ những quy định chưa phù hợp để tăng tốc độ giải ngân". Báo cáo Chính phủ cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, tuy nhiên vẫn chưa phù hợp, chưa hài hòa khi người dân và doanh nghiệp khó khăn mà lợi nhuận của các ngân hàng thương mại vẫn tăng cao...

Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, (đoàn Tiền Giang) kiến nghị: "Không cần nới lỏng thêm chính sách, vì hiện nay thanh khoản trên thị trường vẫn tương đối dồi dào, điều cần thực hiện đó là giữ mặt bằng lãi suất tiền gửi như hiện nay và tiếp tục giảm lãi suất vay, tập trung vào giúp cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng và tái cơ cấu lại nợ, nợ vay. Phải thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt theo hướng luôn đảm bảo và đủ thanh khoản cho hệ thống nhân hàng, không để lạm phát tăng khi chúng ta đang giữ được mức dưới 4%.

Thảo luận về công tác phòng chống dịch COVID -19 các đại biểu cho rằng, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, gây tổn hại sức khỏe và sinh mạng người dân. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong thực hiện của một số địa phương áp dụng những biện pháp không phù hợp, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Theo các đại biểu nguy cơ dịch bùng phát trở lại là rất lớn, vì vậy trong thời gian tới chúng cần chú trọng cả hai giải pháp phòng và chống.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi, (đoàn Hải Phòng) nêu giải pháp: “Hiện nay ngoài việc chúng ta ngoại giao vắc xin, phủ rộng và tiêm vắc xin thì vấn đề tìm các nguồn thuốc, các loại thuốc và chế biến thuốc, kể cả thuốc Nam, thuốc Bắc để làm sao người bệnh khi bị vào bệnh viện thì có niềm tin rằng sẽ khỏi tôi nghĩ rằng đây không chỉ là niềm tin về về sức khỏe của từng cá nhân trong cộng đồng mà còn là niềm tin đối với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến này. Cho nên tôi nghĩ rằng phần mở chữa bệnh phải ngang với cây phủ kín vaccin chữa được càng nhiều người khỏi càng tạo ra niềm tin mới"./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực