Thảo luận hai phương án chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã

Thứ năm, 25/05/2023 18:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đưa ra 2 phương án về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã. Đây là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là dự luật đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, dự án Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH theo quy định. 

 Quang cảnh phiên họp chiều 25/5

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 73 về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX.

Việc thành viên góp tài sản bằng quyền sử dụng đất thì thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật. Khi chấm dứt hợp đồng, thành viên có quyền rút vốn, tài sản góp vốn và HTX phải có kế hoạch cơ cấu lại, phương án sản xuất, kinh doanh thay thế.

Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, nội dung này hiện có hai phương án.

Phương án 1 là ý kiến của Chính phủ, đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên.

Việc này để bảo đảm quyền hợp pháp về tài sản được Hiến pháp quy định. Bảo đảm nguyên tắc mở về thành viên tham gia hoặc rút khỏi HTX, liên hiệp HTX. Bảo đảm sự ổn định cho hoạt động của HTX, liên hiệp HTX khi có thành viên muốn rút một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp, nhất là đối với vốn góp bằng đất đai, tài sản lớn.

HTX không cần phải làm các thủ tục đánh giá lại vốn điều lệ, thông báo thay đổi vốn điều lệ, bảo đảm quyền lợi cho các chủ nợ như trường hợp không cho phép chuyển nhượng phần vốn góp. Tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng, phát triển thành viên của các HTX, liên hiệp HTX khi không phải mất thêm nhiều thời gian, thủ tục để giải quyết cho thành viên rút vốn, chấm dứt tư cách thành viên, sau đó kết nạp cá nhân, tổ chức đủ điều kiện trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX.

Luật HTX quy định nguyên tắc đối nhân, mỗi thành viên HTX có một quyền biểu quyết không phụ thuộc vào phần vốn góp; đồng thời cũng giới hạn mức vốn góp tối đa của thành viên chính thức và thành viên liên kết góp vốn.

Vốn góp thành viên chính thức hoặc tổng vốn góp thành viên liên kết góp vốn không quá 30% vốn điều lệ đối với HTX, không quá 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp HTX.

Phương án 2 là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, đề nghị không quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên HTX, liên hiệp HTX mà chỉ quy định về trả lại phần vốn góp khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi HTX, liên hiệp HTX theo quy định của Luật Hợp tác xã và Điều lệ, tương tự như quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012.

Việc này nhằm phản ảnh đúng bản chất của HTX, liên hiệp HTX là đối nhân không phải đối vốn, là tương trợ lẫn nhau nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó không đặt ra vấn đề chuyển nhượng phần vốn góp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty TNHH, “doanh nghiệp hóa HTX”, hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức.

Khi thành viên không còn nhu cầu là thành viên của HTX, liên hiệp HTX thì có thể xin ra khỏi HTX, liên hiệp HTX và chấm dứt tư cách thành viên theo quy định của Luật. Trong khi đó cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện thì trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) bày tỏ thống nhất với phương án 1. Theo đó, ngoài việc ưu tiên cho thành viên hợp tác xã nhận chuyển nhượng, có thể quy định nếu thành viên hợp tác xã không nhận chuyển nhượng có thể là quy định cho thành viên chuyển nhượng ra ngoài. Đại biểu cho rằng đây cũng là một điều kiện để cho HTX nâng cao chất lượng thành viên của HTX.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cũng tán thành phương án 1, theo đó, quy định chuyển nhượng giữa thành viên hiện hữu và các cá nhân tổ chức chưa phải là thành viên.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng lưu ý đối với quy định mới được bổ sung vào dự thảo Luật lần này, tại khoản 4 Điều 79 dự thảo Luật quy định: phần vốn góp mà thành viên cá nhân, tổ chức nhận chuyển nhượng sở hữu sau khi hoàn thành giao dịch chuyển nhượng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không vượt quá vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và điều lệ. Theo đại biểu, quy định này là phù hợp với điều kiện ngày càng phát triển của nền kinh tế, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng, quyền tự do của các thành viên HTX. 

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ cho cả bên bán và bên mua đều đồng ý chuyển nhượng nhưng phải bảo đảm tôn chỉ nguyên tắc, bản chất hoạt động của hợp tác xã. Quy định cụ thể hơn việc cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp; tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn có thể chuyển đổi thành viên thành viên chính thức.

Ở chiều ngược lại, đại biểu Lê Thị Thanh Lam  (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho rằng, nên quy định việc trả lại phần đóng góp cho thành viên khi chấm dứt tư cách thành viên ra khỏi HTX, không nên quy định việc chuyển nhượng, góp vốn của các thành viên trong HTX. Do đó, đại biểu nhận thấy phương án 2 là phương án phù hợp.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà), đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)  cũng thống nhất việc không quy định về việc chuyển nhượng phần vốn góp thành viên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mà chỉ quy định chỉ trả lại phần vốn khi chấm dứt tư cách thành viên, ra khỏi HTX, liên hiệp HTX… 

 
leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu 

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, đồng thời cảm ơn Ủy ban Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng và ban hành luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc bất cập để mô hình kinh tế này phát triển đáp ứng được yêu cầu thực tế. Sau Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1, để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.

Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này. Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1./.

 
Minh Thư

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực